Trường Bưởi Chu Văn An 100 tuổi
Trường Bưởi – Chu Văn An tròn 110 tuổi
Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho ngôi trường có bề dày lịch sử truyền thống – THPT Chu Văn An.
Sáng 3/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đã dự lễ kỷ niệm 110 năm thành lập trường THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, THPT Chu Văn An là một trong số ít ngôi trường phổ thông lâu đời, giàu truyền thống của đất nước. Nhà trường với truyền thống yêu nước, dạy tốt, học giỏi đã vượt qua nhiều khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng nghìn giáo viên, học sinh nhà trường đã lên đường nhập ngũ và lập công xuất sắc. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, lưu giữ mãi mãi tuổi 20. Đặc biệt, có cựu học sinh của trường trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc, như: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay, trò chuyện với học sinh trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trường Bưởi – Chu Văn An cũng là nơi giảng dạy của nhiều nhà giáo nổi tiếng, như: nhà nghiên cứu văn học – nhà giáo dục Dương Quảng Hàm, học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên… Mái trường đã đào tạo hàng trăm nghìn học sinh ưu tú, trở thành các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt.
Nhắc lại sự quan tâm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho trường Bưởi – Chu Văn An khi 5 lần về thăm, phát động phong trào giáo dục cách mạng, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tình cảm yêu mến, sự trân trọng và chúc mừng các thế hệ giáo viên, cán bộ nhân viên, học sinh nhà trường vì những kết quả đạt được.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho đại diện nhà trường, nhắn nhủ thầy trò tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trồng cây lưu niệm, thăm nhà truyền thống và khuôn viên trường THPT Chu Văn An. Bà cũng dành thời gian trò chuyện thân mật với học sinh.
“Em rất hãnh diện khi ngôi trường mình theo học từ xưa đến nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chính trị gia. Đây là vinh dự không phải trường học nào cũng có được”, Nguyễn Hà Linh, lớp 10D3 nói. Nữ sinh 15 tuổi cho rằng đỗ vào ngôi trường cấp ba nổi danh cả nước về chất lượng đào tạo, bề dày truyền thống lịch sử… là niềm mong ước bao thế hệ học trò.
Ngoài hơn 2.000 học sinh, cán bộ giáo viên hiện tại của trường THPT Chu Văn An, lễ kỷ niệm 110 năm còn có sự góp mặt của nhiều cựu học sinh, cựu giáo chức nhà trường.
Cựu giáo viên năm 1967 của trường Bưởi – bà Trương Thị Xuân Lan (trái) trò chuyện với cựu học sinh tại buổi lễ kỷ niệm 110 năm thành lập trường. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trở lại trường cũ sau 41 năm vào Nam công tác, ông Nguyễn Đông Phan (học sinh lớp 10C3 khóa 1974-1977) chia sẻ “cảm giác như được quay lại thời còn là cô bé, cậu bé hồn nhiên, tinh nghịch, rất xúc động”. Thăm phòng học cũ với thầy giáo, bạn bè xưa làm ông nhớ lại quãng thời gian cần mẫn đèn sách, học nhóm, đá bóng ở sân trường, những chiều cùng nhóm bạn ra bơi hồ Tây.
Lưng còng đi thăm lại toàn bộ khuôn viên trường THPT Chu Văn An, bà Trương Thị Xuân Lan (83 tuổi) – giáo viên dạy tiếng Nga năm 1967 của trường, liên tục được các thế hệ học trò cũ đến bắt tay, chào hỏi. Nở nụ cười tươi, bà bảo “xúc động và phấn khởi quá khi thấy học trò xưa đều mạnh khỏe, thành đạt, trường học mỗi lúc một khang trang, giàu thành tích hơn”.
Trường THPT Chu Văn An (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) tiền thân là Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908, thường được gọi là trường Bưởi do nằm trên vùng kẻ Bưởi. Người Pháp xây trường với mục đích đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị. Tuy nhiên, trường Bưởi lại trở thành cái nôi của phong trào yêu nước, biểu trưng cho tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của tri thức thủ đô.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trường Bưởi được đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An. Đây là trường trung học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam và là trường duy nhất của thành phố Hà Nội có lớp chuyên (đến trước năm 1986). Qua một số lần đổi tên khác, đến năm 1985 theo quy định của Bộ Giáo dục, trường được mang tên là THPT Chu Văn An và giữ đến bây giờ.
Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/truong-buoi-chu-van-an-tron-110-tuoi-3833798.html