Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên: Quảng bá hình ảnh Thủ đô từ mỗi công dân Hà Nội
ANTD.VN – Hà Nội vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều, đặc biệt đúng dịp kỷ niệm 20 năm “Thành phố vì hòa bình”, đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người, Thủ đô ngàn năm văn hiến, thân thiện và hòa bình tới bạn bè năm châu.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Trần Thị Phương
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều là cơ hội quý để quảng bá đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Trần Thị Phương đã có những chia sẻ về vấn đề liên quan.
PV: Năm 2019, Hà Nội kỷ niệm 20 năm nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Xin bà cho biết, Hà Nội đã phát huy giá trị hòa bình như thế nào trong 20 năm qua?
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Trần Thị Phương:
Năm 1999, Thủ đô Hà Nội đã được tổ chức UNESCO thế giới vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và thành phố duy nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Trong cả quá trình phát triển và qua 20 năm nhận danh hiệu, Thủ đô Hà Nội không chỉ yêu hòa bình, nói về hòa bình mà còn hành động vì hòa bình.
Khi nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đang triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại mà vẫn giữ nét đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến.
Từ đó tới nay, Thủ đô đã được đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội.
Thành phố đã mở rộng quy mô cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Đời sống của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt. Những kết quả này là minh chứng cho Hà Nội không chỉ yêu hòa bình mà còn tiếp tục phát triển để xứng đáng là “Thành phố vì hòa bình”.
Trong những kết quả đạt được nêu trên, rõ ràng đây là những thành tựu lớn và dù rằng trên bước đường phát triển còn những tồn tại cần quan tâm, song rõ ràng xem xét các tiêu chí về “Thành phố vì hòa bình” thì Hà Nội luôn xứng đáng với danh hiệu đã được UNESCO công nhận cách đây 20 năm.
– Theo bà, mỗi người dân Thủ đô cần làm gì để xứng đáng với danh hiệu công dân của một “Thành phố vì hòa bình” trong mắt bạn bè quốc tế?
– Về cơ bản, mỗi người dân sống ở thành phố Hà Nội đều đáp ứng được tiêu chí của một công dân sống trong “Thành phố vì hòa bình”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức gìn giữ lối sống văn hóa, văn minh đô thị; ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa của Thành phố… Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Hà Nội.
Tôi cho rằng để Hà Nội luôn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, mỗi người dân của Thủ đô cần ý thức được niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ danh hiệu này; cùng với đó là việc giáo dục trong các nhà trường, qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về danh hiệu cao quý này của Thủ đô.
Khi hiểu được giá trị của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, mỗi người dân sẽ tự ý thức trước mỗi hành động, việc làm của mình để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.
– Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều, một sự kiện hướng tới hòa bình, bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?
– Trước hết, tôi rất tự hào vì Hà Nội của chúng ta được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2. Xét về ý nghĩa ngoại giao thì Hà Nội đáp ứng đủ các yếu tố hợp lý khách quan như là thủ đô của một quốc gia trung lập, có quan hệ tốt với cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên, đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng. Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự an toàn và thân thiện, điều mà cả Mỹ và Triều Tiên rất coi trọng.
Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều như một nơi đặc biệt an toàn, nhất là đối với các chính khách. Nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006; gần đây nhất là Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… đã khẳng định vị thế của Thủ đô.
Để có được những ấn tượng tốt đẹp đó, không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng của lực lượng Công an thành phố Hà Nội vì sự bình yên của người dân Thủ đô và sự thành công của các sự kiện chính trị mang tầm quốc tế.
Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai cho thấy Hà Nội có uy tín lớn trong mắt cộng đồng quốc tế, trên khía cạnh là bên đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới.
Hà Nội mong muốn cho thế giới thấy những thế mạnh của mình, có thể trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện để thu hút du lịch, đầu tư và cả ngoại giao tầm cỡ thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn bà!