Kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Tổ Công tác Thư viện – trường THPT Chu Văn An trân trọng giới thiệu cuốn sách: “Người thầy”
30 năm là một quãng thời gian dài. Đủ dài để người ta nhớ, đủ dài để người ta gắn bó sâu sắc với điều gì đó. Đối với một nhà giáo, đó là trường, là lớp, là những học sinh thân yêu. 30 năm trên bục giảng là 30 năm người giáo viên ấy cống hiến trọn vẹn tâm sức mình cho học trò, cho công việc giảng dạy, cho con đường mà nhà giáo ấy đã lựa chọn, tin yêu. Và 30 năm mà chúng ta đang nói đến ở đây gói trọn trong cuốn hồi kí “Người thầy” của Frank McCourt – một tác giả Mỹ khá nổi tiếng, được phát hành bởi nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn.
“Người thầy – hồi ức một nhà giáo Mỹ” được Frank McCourt sáng tác vào giai đoạn khi ông được độ lục tuần và quyết định từ giã bục giảng. Trong những ngày tháng nghỉ hưu hết sức bình yên ấy, ông đã thực hiện giấc mơ của cuộc đời mình: viết văn. Với vô vàn đề tài McCourt có thể lựa chọn, ông đã tìm đến những năm tháng làm thầy của chính bản thân mình mà định mệnh đã đưa ông gắn bó. Và thế là “Người thầy” ra đời từ đây, với nguồn cảm hứng bất tận ấy.
Ở “Người thầy” mà chúng ta biết, có những kỉ niệm không thể nào quên với lũ trò nghịch ngợm cùng những giấc mơ giản dị mà vẫn hết sức lớn lao của chúng. Có những bài học, những kinh nghiệm trong việc giảng dạy mà phải mất hơn ba mươi năm McCourt mới có thời gian để suy ngẫm, để chiêm nghiệm. Có những cung bậc cảm xúc vô cùng phong phú, vui buồn, yêu giận, có thất vọng và có cả niềm tự hào nữa. Tất cả những điều ấy bắt đầu bằng câu chuyện giản dị của một giáo viên tập sự cùng đám học trò mười sáu tuổi, khi Frank McCourt lần đầu tiên bước lên giảng đường. Để rồi sau đó là hàng loạt những tình huống sư phạm xảy đến với McCourt – người thầy hơi nhút nhát, hơi căng thẳng, hơi mất bình tĩnh trước học sinh, buộc McCourt phải đối mặt: chiếc bánh mì kẹp pho mát văng xuống đất khi hai đứa trẻ xông vào đánh nhau, suýt bị sa thải do các phụ huynh thi nhau gọi điện tới trường để phản đối, những lời cảnh cáo khiêm khắc của thầy hiệu trưởng… Vậy đấy, trong những tháng ngày đứng trên bục giảng, có biết bao chướng ngại anh phải vượt qua, đôi lúc anh cũng chán nản, cũng bất mãn và muốn bỏ cuộc lắm chứ. Song những chướng ngại đó chẳng thể buộc thầy giáo McCourt gạt bỏ mơ ước được bám theo những trang giáo án được chuẩn bị công phu. Điều mong muốn lớn nhất của anh, đó là đánh thức được tâm hồn lũ-trẻ -16-tuổi đang hờ hững và lãnh cảm trước giáo viên của mình. Vậy thì với tâm huyết luôn sục sôi như vậy, anh đã xoay xở và cố gắng như thế nào, để từ một thầy giáo trẻ luôn gặp rắc rối với công việc trở thành một “Nhà giáo Frank McCourt kinh nghiệm đầy mình”? Cuốn tự truyện “Người thầy” sẽ giúp ta trả lời được những câu hỏi đó.
Không chỉ hấp dẫn bởi nội dung chân thật và cuốn hút, sẽ thật là một thiếu sót lớn nếu ta không đề cập đến lối kể hài hước mà cũng vô cùng chân thành của tác giả.Và, sự chân thật ấy, cái nhìn thẳng thắn ấy cũng như sự trân trọng với nghề đủ khiến những chuyện tưởng như “xấc láo” trở thành một cái nhìn mới mẻ. Hơn cả, cuốn hồi kí còn là thông điệp ẩn sâu mà Frank McCourt muốn nhắn nhủ: Đừng đi theo một lối mòn khô khan của giáo dục mà hãy mạnh dạn chạm đến trái tim học sinh, cảm hóa học sinh bằng chính con người mình. Quả là một câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân văn đáng để chúng ta cùng đọc, cùng suy ngẫm.
Hẳn sẽ có nhiều người nghĩ đối tượng mà “Người thầy” hướng đến chỉ có giáo viên và học sinh. Nhưng sự thật không phải như vậy. “Người thầy” là một món quà kì diệu dành cho tất cả chúng ta, những người đã và đang trải qua quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Hơn cả, nó còn dành cho những con người yêu thích sự mới mẻ, phá cách, những con người cần tìm cho mình một động lực nào đó để tiến về phía trước, tiến về tương lai.
Hà Nội, ngày 20/11/2019
TỔ CÔNG TÁC THƯ VIỆN |