Sinh viên Việt Nam- Câu chuyện về hành trình trở thành người dẫn chương trình truyền hình của một cô bé rụt rè, nhút nhát MC Mai Anh Thư.
Nếu nhìn vào thời điểm hiện tại, nếu chỉ lướt qua trang Facebook cá nhân luôn tràn ngập những câu chuyện thú vị, những bức ảnh dẫn chương trình trước hàng nghìn khán giả, chắc hẳn không ai nghĩ rằng, tôi trong quá khứ từng là một cô bé sợ đám đông, tự ti và cô độc. Tôi của quá khứ nhỏ bé, yếu đuối và chưa bao giờ dám đứng lên vì chính mình.
Năm 12 tuổi vào cấp hai, tôi từng là một cô bé nhút nhát, rụt rè. Khi chuyển cấp phải xa môi trường cũ, tôi đã gặp khó khăn nghiêm trọng trong vấn đề làm quen với những người bạn mới. Tôi khó kết bạn, và thậm chí không thể hoà nhập với môi trường này. Thay vì cố gắng bước ra khỏi “vỏ ốc” của chính mình, tôi lại chọn cách lẩn tránh và thu mình lại trong thế giới riêng. Tôi của quá khứ từng ghét phải trò chuyện, không thích việc kết bạn và luôn đỏ bừng mặt khi xuất hiện trước đông người. Nhưng sau bốn năm, tôi hiểu rằng cuộc sống của mình sẽ thật vô vị và tẻ nhạt nếu cứ mãi sống “an toàn” và bình lặng như vậy.
Bước chân vào cấp ba, tôi đã chọn thi vào trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ngôi trường nổi tiếng không chỉ với những học trò hăng say học tập, mà còn luôn đi đầu với các phong trào đoàn thể năng động, tích cực. Và chính tại nơi này, tôi đã hoàn toàn thay đổi bản thân mình. Tôi đã có cơ hội được đứng trên sân khấu trong vai trò là người dẫn chương trình – khi MC của sự kiện bất ngờ bị ốm. Hãy thử tưởng tượng chính cô bé nhút nhát ngày nào luôn sợ sệt khi đứng trước đám đông, giờ đây lại có thể vượt qua nỗi sợ hãi đó, dõng dạc phát biểu trên sân khấu trước hàng trăm khán giả. Và lần đầu tiên đứng trên sân khấu ấy, thật bất ngờ: Tôi đã làm rất tốt.
Vậy nên tôi tin rằng: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học.
16 tuổi, tôi mới bắt đầu học nói trước đám đông; học cách làm việc tập thể; học chia sẻ những vấn đề mình gặp phải với những người xung quanh để được nhận những lời khuyên có ích – thay vì giữ những khúc mắc đó cho riêng mình. Nhưng trên tất cả, điều quan trọng nhất, đó là học cách vượt qua những ranh giới vô hình mà chính ta đặt ra trên quãng đường trưởng thành.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi quyết tâm hoàn thiện mình hơn nữa. Và cứ như vậy, Học viện Ngoại giao là nơi tôi đã dành trọn 4 năm thanh xuân của thời sinh viên. Tôi chọn ngôi trường này, và ngôi trường này cũng đã “chọn” tôi. Tại nơi đây, tôi đã mạnh dạn ứng cử trở thành lớp trưởng, Khoa trưởng Khoa Ngôn ngữ. Từ một học trò nhút nhát, bị tẩy chay, tôi đã thay đổi bản thân mình, trở thành một sinh viên năng động, nhiều bạn bè và có những kỷ niệm thật đáng nhớ. Tôi tiếp tục học xong thạc sỹ tại trường và theo đuổi ước mơ trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp.
Tôi tin rằng ai cũng có những góc khuất của riêng mình. Đó có thể là những nỗi buồn giấu kín, là những nỗi sợ không tên, là những ký ức đau thương không thể lãng quên. Nhưng bạn tôi ơi, dù những khoảnh khắc đó mang sắc màu gì, thì con người ta vẫn phải học cách vượt qua để hướng tới những điều tích cực đang chờ đón.
Tôi rất thích câu nói: “Quá khứ là những gì đã qua, Tương lai là những điều không thể dự đoán. Chỉ có hiện tại là ngày hôm nay, là một món quà”. Trân trọng món quà của hiện tại chính là sống tích cực, sống có ý nghĩa mỗi ngày.
Từ một cơ hội bất ngờ được làm người dẫn chương trình ở trường cấp ba, tôi đã bắt đầu “nghiện” cảm giác được đứng trên sân khấu. Tôi thích tôi – khi được hoà nhập, được kết bạn, được nói và được lắng nghe. Và bạn có tin được không? Sau bằng ấy năm, giờ đây ở thời điểm hiện tại, tôi đã trở thành một Biên tập viên- MC tại Đài truyền hình Nhân Dân, dẫn chương trình Thời sự chính luận.
Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, tôi nhận ra rằng tôi nợ công việc này một lời cảm ơn. Công việc dẫn chương trình là cầu nối, giúp bản thân tôi dần hoàn thiện và đến gần hơn với mọi người. Lúc đầu khi mới chập chững bước lên sân khấu trường học, có thể đây chỉ là cái “cớ” để tôi được gần mọi người, được tham gia nhiều hoạt động, được tiếp xúc với đám đông để vứt bỏ sự tự ti. Nhưng càng gắn bó về sau, tôi càng nhận thấy: trở thành một người dẫn chương trình chính là niềm đam mê của mình. Tôi tin rằng dù bạn là ai và đang làm công việc nào, chỉ cần đặt cái tâm của mình vào đó, bạn sẽ tìm thấy niềm vui, động lực để luôn nỗ lực phấn đấu, cố gắng không ngừng.
Tôi có một người bạn là hoạ sỹ, gần đây anh ngừng vẽ, vì anh bỗng nghĩ rằng mình không còn cảm hứng, và mình không đủ giỏi để tồn tại với nghề. Tôi chỉ nói với anh rằng: Trước khi kết thúc điều gì, thì hãy nghĩ tới lý do mình đã bắt đầu làm điều đó. Và rồi sau một ngày, một đêm, anh lại vẽ, lại sáng tác, nhiệt thành và đầy cảm xúc. Anh không nói cho tôi lý do anh bắt đầu, nhưng tôi tin, đó hẳn là một ký ức đẹp đẽ.
Cho đến thời điểm hiện tại, trở thành một MC là một “biến số” trên con đường sự nghiệp của tôi, nhưng dường như đây lại chính là một “biến số” có lý và có ý nghĩa nhất. Công việc này đã xoay chuyển cuộc đời một Mai Anh Thư rụt rè nhút nhát trở thành một Mai Anh Thư trưởng thành, hạnh phúc và lạc quan như ngày hôm nay. Tôi đã làm được, và tôi tin rằng bạn cũng thế.