TALKSHOW TRẠM ĐỌC “Sách – Điểm tựa của tâm hồn”
Kính thưa Quý độc giả
Văn hóa đọc ngày hôm nay của các bạn trẻ đang phải đối mặt với những thử thách và hấp dẫn rất lớn từ điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Chính vì lí do đó, mà câu lạc bộ đọc sách của trường THPT Chu Văn An ( Chu Văn An Reading Station) đã thành lập được 4 năm đã không ngừng đưa ra những hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc tới các bạn học sinh trong và ngoài nhà trường
Lí giải về tên Trạm đọc, các bạn viết như sau: “Trạm” là nơi dừng chân, là nơi mọi người có thể trải lòng mình, ngắm nhìn dòng đời vội vã hay chỉ để lấy lại tinh thần của mình để tiếp tục bước đi, tiếp tục chiến đấu. Chúng ta, những người trẻ luôn mang trong mình những khát khao mà đôi lúc quên đi bản thân, quên cả ngơi nghỉ, có lẽ luôn khao khát một trạm dừng chân trong cuộc đời mình. Bên cạnh đó, “Trạm” còn là điểm tựa của mỗi con người khi mệt mỏi, hay vấp ngã. Mấy ai hiểu được ý nghĩa đằng sau định nghĩa “trạm đọc”, phải chăng đó còn là vạch xuất phát đưa ta đến những chân trời mới, những vùng đất vượt xa những gì ta tưởng tượng?
Từ lí do đó, ngày 26/11/2020, Trạm đọc Chu Văn An kết hợp với tổ thư viện ( CLi) và ban chấp hành đoàn trường đã tổ chức một buổi tọa đàm về văn hóa đọc. Talkshow được tổ chức giúp ta hiểu thêm những thông điệp về ý nghĩa cốt lõi của văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ công nghệ số.
Với những chia sẻ bổ ích đến từ Thầy Nguyễn Quốc Vương từng là giảng viên khoa Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó được chính phủ Nhật Bản cấp học bổng du học và đến năm 2011, sau khi về nước thầy Vương đã nhận ra tầm quan trọng của sách trong việc khai mở và nâng cao dân trí, nên đã dồn hết tâm huyết vào việc lan tỏa văn hóa đọc. Ngoài việc dịch và viết khoảng 50 cuốn sách về giáo dục, lịch sử và văn hóa, thầy còn rất tích cực tham gia vào các dự án như lập thư viện cho các trường học, dự án sách hóa nông thôn. Trong suốt quá trình tọa đàm, thầy Vương cùng những người bạn đến từ dự án “Sách hóa nông thôn” đã cho học sinh Chu Văn An thấy được hiện trạng đọc sách của người Việt trẻ, những con số đáng báo động về việc đọc sách của người Việt Nam, và đồng thời thầy cũng đưa ra cả lời khuyên và giải pháp hữu ích không chỉ cho việc đọc sách, mà cả cho việc học, và việc trưởng thành trên con đường tri thức ra sao. “ Đọc sách là cách để tự học, và bắt kịp với sự phát triển của thế giới để trở thành công dan toàn cầu” Thầy chia sẻ như vậy, và thầy luôn nhấn mạnh đến việc học sinh Chu Văn An nói riêng, và học sinh nói chung nên coi việc học là quá trình tích lũy kiến thức tự thân, thay đổi quan điểm học để đi thi, mà là làm việc có ích cho cộng đồng, từ đó nhu cầu đọc mới trở nên cấp thiết, và tạo thành thói quen không thể bị bỏ quên.
Cùng với sự nói chuyện sôi nổi và cuốn hút của diễn giả, các bạn trong Ba tổ Chức của Trạm đọc đã kết hợp với CLB Kịch DramaClub và ban nhạc Ribbon -band, để tạo ra một buổi tọa đàm vừa nghiêm túc, bổ ích, vừa trẻ trung, hấp dẫn và hài hước, điều đó đã khiến cho các bạn tham gia buổi tọa đàm thấy rất thích thú.
Hy vọng rằng talkshow “Trạm đọc” đã giúp các bạn tìm được một trạm nghỉ chân đúng nghĩa, cũng như góp phần vào sứ mệnh lan truyền văn hóa đọc tới mọi người, đặc biệt là học sinh dưới mái trường Chu Văn An.
CLB Đọc Sách – Trường THPT Chu Văn An