NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA ĐẠI DIỆN CHA MẸ HỌC SINH VỚI NHÀ TRƯỜNG TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ HỌC TẬP, GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG CỦA HỌC SINH
- ĐẶT VẤN ĐỀ.
Ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác trồng người:
Chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ sau cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là “chiến lược” chứ không phải là “sách lược” tạm thời: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Con người được giáo dục toàn diện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là con người phải có đạo đức cách mạng, có lý tưởng sống, có quan hệ đúng mực với mọi người xung quanh, có kỹ năng sống, có tri thức, có sức khỏe… Đó là con người phát triển toàn diện trên các mặt: Văn – Đức – Thể – Mỹ. Đây là những nội dung giáo dục hết sức căn bản, gắn bó chặt chẽ, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Để động viên các em học sinh bước vào năm học mới, tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã viết “Thư gửi cho các học sinh”. Trong thư Bác Hồ đã nói với các em tâm nguyện của mình nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Vậy, để đồng hành cùng Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng học tập, giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống của học sinh thì các bạc Cha mẹ học sinh chúng ta cần làm những gì?
- THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ.
- Ưu điểm, thuận lợi:
Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội là trường chuyên trọng điểm Quốc gia, có bề dày truyền thống (được thành lập từ năm 1908), là trường THPT công lập đầu tiên thực hiện mô hình đào tạo chuẩn quốc tế và đạt được rất nhiều thành công. Tất cả chúng ta có quyền tự hào vì con chúng ta đã thi đỗ và được học dưới mái trường Chu Văn An, ngôi trường có vị trí rất đắc địa, cơ sở vật chất tốt, không gian rất rộng rãi, có sân bóng, quang cảnh rất đẹp …
Điểm tuyển sinh đầu vào của Trường Chu Văn An là rất cao nên mặt bằng kiến thức của các học sinh tương đối tốt.
Đó là những yếu tố rất thuận lợi cho con em chúng ta. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố thuận lợi khác đã được nêu tại Báo cáo Hội nghị CMHS đầu năm của Nhà trường như: Trường có đội ngũ các thầy cô giáo dạy giỏi, thành tích của các học sinh các khóa thể hiện qua các số liệu thống kê được đánh giá là rất cao, tỷ lệ tuyển thằng vào các trường đại học của các lớp chuyên khá cao (trung bình khoảng 60%), rất nhiều các hoạt động ngoại khóa, CLB…
- Hạn chế, khó khăn: Bên cạnh những thuận lợi, Trường cũng có những khó khăn như:
Kinh phí hoạt động của các Trường công lập thường rất eo hẹp. Đây là thực tế chung của các Trường khối công lập, tính tự chủ về tài chính khó có thể thực hiện được như các Trường dân lập, bán công.
Trong bối cảnh đại dịch Covid nên cũng rất khó để triển khai các hoạt động ngoại khóa.
Sự đồng hành giữa các CMHS với Nhà trường bị hạn chế do các CMHS thường rất bận trong công việc, khó thu xếp được thời gian trong giờ hành chính.
- Thực trạng và nguyên nhân:
Thứ nhất, chúng ta cũng đã nghe nhiều về các vấn đề nhức nhối mà xã hội đang đề cập như: tính cần thiết của Ban Đại diện CMHS trong bối cảnh hiện tại (Ban đại diện CMHS có vai trò gì? Tính hiệu quả? Có nên duy trì không?), các vấn đề nhạy cảm về đóng các loại quỹ,… Đây là những vấn đề nóng đã được nêu ra, bàn luận trên các diễn đàn trong thời gian gần đây, rất nhiều ý kiến phủ nhận vai trò của Ban đại diện CMHS.
Nhận thức được rõ ràng nếu Ban ĐDCMHS làm không tốt, mặc dù công việc công tâm, không có chút tư lợi, nhưng cũng vô tình gây ảnh hưởng tới uy tín của Nhà trường và các thầy cô giáo.
Theo quan điểm cá nhân của tôi về vấn đề này: bản chất Ban Đại diện CMHS làm chưa được tốt (vì thực tế thường bận, có rất ít thời gian), việc triển khai chưa đi vào thực chất, còn hình thức, và công tác phối hợp với Nhà trường chưa được hiệu quả đúng với chức năng nhiệm vụ là cầu nối giữa các CMHS với Nhà trường để thực hiện tốt 3 mục tiêu chính là rèn luyện học tập – đạo đức – kỹ năng sống cho các con.
Cụ thể là Ban Đại diện CMHS còn thiếu những kế hoạch hành động cụ thể, chưa nêu được những kết quả cụ thể đối với 3 mục tiêu nói trên trong Báo cáo hoạt động trước tập thể CMHS, cũng như chưa truyền được thông điệp tới các CMHS để thấy được sự cần thiết, tính hiệu quả hoạt động của Ban Đại diện CMHS, để tranh thủ có được sự đồng tình, ủng hộ của các CMHS. Cụ thể:
Thứ hai, các hoạt động còn chưa làm tốt nhiệm vụ truyền thông điệp tới các con và các CMHS. Tôi nhấn mạnh từ ‘truyền thông điệp’, vì các hoạt động gắn với giáo dục mà không đưa ra thông điệp gì sẽ không hiệu quả, thường là chỉ tổ chức cho có, không có ý nghĩa.
Thứ ba, chưa thực hiện tốt sự gắn kết, đồng hành, là cầu nối giữa CMHS và Nhà trường. Ở đây tôi muốn đề cập đến những nội dung công việc cụ thể mà CMHS cần làm để nâng cao sự gắn kết giữa gia đình và Nhà trường (nội dung, kết quả cần hướng đến).
Chúng ta đều biết rằng các con của chúng ta đang sống trong 2 môi trường là: trường học (dạy cho các con kiến thức) và trường đời (tức là khi ở nhà, ngoài xã hội) sẽ dạy cho các con cách vận dụng kiến thức vào thực tế. Như vậy, kiến thức vận dụng như thế nào, kết quả đến đâu thì môi trường ở nhà cũng rất quan trọng, vì bố mẹ, gia đình chính là tấm gương phản chiếu có ảnh hưởng rất lớn đối với các con…
III. GIẢI PHÁP.
Từ những vấn đề phân tích và thực trạng nêu trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Giải pháp thứ 1: Các CMHS hãy giám sát, nhắc nhở các con thường xuyên để thực hiện theo đúng Bản kế hoạch cá nhân và thời gian biểu các con đã xây dựng.
Đây là thông điệp của Nhà trường đã đưa ra đầu năm học để giúp các con có phương pháp tự lập kế hoạch: Nắm được nhiệm vụ trọng tâm của các con với vai trò học sinh là phải làm gì; Tự xác định được mục tiêu/ tiêu chí phấn đấu để xây dựng nên chương trình hành động cá nhân phù hợp, và Cụ thể hóa bằng thời gian biểu hàng ngày.
Tuy nhiên, kế hoạch đề ra cần phải có sự giám sát thường xuyên, và có chế tài thưởng phạt phù hợp. Ví dụ, chúng ta đều nghĩ rằng người lớn là đã có nhận thức đầy đủ, nhưng chúng ta đi làm việc vẫn phải có KPI đánh giá công việc và vẫn phải chịu giám sát để hoàn thành mục tiêu của đơn vị.
Do vậy, việc đầu tiên các CMHS cần đồng hành với Nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục là: Tư vấn giúp con xây dựng bản kế hoạch cá nhân khả thi, và cùng Nhà trường giám sát, nhắc nhở các con thường xuyên để các con thực hiện theo đúng bản kế hoạch mà các con đã lập ra, kết hợp với các chế tài thưởng phạt phù hợp.
Ở đây tôi xin nhấn mạnh từ ‘thường xuyên’ vì quản lý là công việc phải có tính thường xuyên.
Giải pháp thứ 2: Giúp các con đưa ra thông điệp có ý nghĩa gắn với các hoạt động cụ thể để truyền tải tới tập thể lớp và các CMHS.
Và ta biết rằng: Nếu thông điệp được lặp lại nhiều lần sẽ góp phần hình thành nên thói quen, tư duy.
Ví dụ, một buổi hoạt động dã ngoại không chỉ đơn giản là đi chơi mà có thể kèm theo rất nhiều ý nghĩa có thể khai thác như tìm hiểu vẻ đẹp của đất nước, văn hóa dân tộc, đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc, học một triết lý của các danh nhân xưa… Mỗi hoạt động tập thể, Team building đều mang một ý nghĩa nhất định, hay rèn luyện một kỹ năng mềm giúp ích cho các con sau này…
Ban Đại diện CMHS cần hỗ trợ GVCN định hướng giúp các con để xây dựng và truyền tải các thông điệp đó, để các con có thể cảm nhận được ý nghĩa của hoạt động và tư duy học hỏi thêm những kỹ năng, kiến thức cuộc sống thông qua các hoạt động.
Một số nguyên tắc, nhiệm vụ của Ban Đại diện CMHS Lớp trong việc hỗ trợ triển khai các hoạt động cho các con:
Trao quyền chủ động cho các con được tham gia tổ chức, xây dựng, lập kế hoạch, chịu trách nhiệm về kết quả trong các hoạt động của chính mình (mỗi hoạt động cần yêu cầu các con có thói quen đưa ra dự kiến kết quả cần hướng đến). Các CMHS đóng vai trò cố vấn, giám sát.
Thực hiện tốt công tác vận động để có được sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ từ các CMHS đối với hoạt động của các con; Truyền thông điệp để các CMHS nắm được tinh thần, ý nghĩa của các hoạt động tập thể của các con…
Giải pháp thứ 3: Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa CMHS và thầy cô giáo.
Xây dựng và truyền tải thông điệp đến các CMHS về các hoạt động cụ thể của Ban Đại diện CMHS. Các hoạt động cần nêu bật được kết quả cần đạt và hướng đến 3 mục tiêu chính là rèn luyện học tập – đạo đức – kỹ năng sống cho các con.
Giữ mối liên hệ và thông tin kịp thời giữa các CMHS và thầy cô giáo để nắm bắt tình hình học tập, tâm sinh lý của các con.
Giải pháp bổ trợ khác: Các CMHS cần thường xuyên quan tâm hàng ngày đến các con thông qua một số phương pháp như:
Làm gương cho các con. Những gì chúng ta muốn con của chúng ta làm thì các bố mẹ cần làm gương để các con noi theo.
Thường xuyên quan tâm, động viên, nói chuyện với các con, chia sẻ quan điểm, đặt các câu hỏi gợi mở, định hướng… để tìm hiểu tâm sinh lý, sở thích, ước mơ của các con.
- Cho con tiền là hạ sách
- Cho con năng lực là giải pháp nhất thời
- Còn cho con cách nhìn mới là thượng sách.
Bác Nguyễn Ngọc Kiên – Trưởng Ban Đại diện CMHS Lớp 10 Tin, khóa 114