ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO HỌC SINH, VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ TRƯỜNG – CHA MẸ HỌC SINH
Khi tuyển dụng, chúng tôi đọc hồ sơ của ứng viên, hầu hết là các bạn làm trái ngành. Lúc phỏng vấn, tôi luôn hỏi chung một câu “tại sao em không tìm công việc theo đúng chuyên ngành mình đã học?”. Tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời nhưng phần lớn là: Em đã học ngành mà em không hiểu nhiều về nó, nên giờ khi làm việc em không thấy phù hợp, một số thực thà chia sẻ: Em đăng ký học ngành này vì nó phù hợp với số điểm của em thời điểm đó, học xong rồi tính ạ. Tôi đã bất ngờ vì tưởng điều này chỉ xảy ra vào thế hệ của 7X, 8X của chúng tôi, khi thông tin còn hạn chế, chia sẻ hiểu biết về ngành nghề còn khó khăn. Nhưng không, nó vẫn diễn ra trong thời đại 4.0, khi mà tất cả thông tin có thể tìm kiếm chỉ bằng cú click chuột.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên tới 60%. Bốn năm “dùi mài kinh sử” ở bậc đại học mà không thể vận dụng vào công việc, trong khi làm một công việc trái ngành, các bạn đó phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp chuyên môn và kỹ năng công việc còn thiếu, thật lãng phí. Làm thế nào để định hướng nghề nghiệp cho con mình đúng và trúng đây? Đây không chỉ là trăn trở của riêng tôi mà là của tất cả các bậc làm cha mẹ và nhà trường. Vậy, vai trò, trách nhiệm của nhà trường, cha mẹ học sinh trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh là gì? làm thể nào để có sự phối hợp hiệu quả? Dưới đây là tham luận thể hiện ý kiến cá nhân của tôi về vấn đề này. Mong rằng nó một chút giá trị cho những định hướng của nhà trường và các bậc cha mẹ.
Làm thế nào để lựa chọn một ngành nghề phù hợp?
- Đầu tiên là hiểu sở thích và năng lực của mình.
- Hiểu được ngành, nghề mà mình muốn làm.
- Lựa chọn nghề trong tương lai.
- Lập kế hoạch và hành động để đạt được mục tiêu về ngành nghề mà mình mong muốn.
Vậy, gia đình và nhà trường làm gì để giúp các con đạt được những yếu tố đó.
Vai trò của nhà trường:
– Giúp các em nhận thức về việc khám phá bản thân, tìm hiểu về nghề nghiệp sớm là rất quan trọng.
– Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp giúp các con khám phá bản thân, sở thích và nuôi dưỡng những đam mê. Hầu hết, các trường đều có rất nhiều câu lạc bộ để các em học sinh có thể cân bằng việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, khám phá bản thân. Tuy nhiên, các câu lạc bộ hiện nay không để đăng ký tự do mà phải qua các bước tuyển chọn và chỉ nhận những thành viên có tố chất và tiềm năng. Cháu gái tôi mê nhảy, con đã quay 20 clip để nhờ tôi chọn một clip để ứng tuyển vào câu lạc bộ. Tuy nhiên, cô nàng đã buồn rầu chia sẻ “con đã không được nhận, do nhảy chưa đẹp”. Thiết nghĩ, các câu lạc bộ lập ra nên để học sinh đăng ký tự do, để có một hành trình khám phá bản thân, không nên chỉ chọn lọc các bạn có kinh nghiệm hoặc năng khiếu, như vậy những bạn có đam mê và muốn theo đuổi sẽ không có cơ hội và mất đi cơ hội khám phá bản thân mình.
– Giáo dục cho các con các kỹ năng mềm để tự tin khẳng định bản thân, có chính kiến và kiên định với những mong muốn của mình. Thật mừng khi có những học sinh ngay từ đầu đã nhận thức rõ bản thân mình muốn gì, mình sẽ lựa chọn gì, chủ động thuyết phục bố mẹ để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nhưng còn đại đa số các em được bố mẹ bao bọc, tính toán, áp đặt theo mong muốn của bố mẹ, nên chỉ nghe theo. Đến lúc đủ tư duy, đủ trải nghiệm con mới nhận ra ngành nghề mình lựa chọn theo bố mẹ không còn phù hợp. Do vậy, ngoài kiến thức nhà trường nên có hướng giáo dục theo các kỹ năng để các con biết cách thể hiện và khẳng định mình.
– Việc giúp học sinh cấp III hiểu được các ngành nghề để lựa chọn cho mình ra rất quan trọng. Nhà trường nên có những buổi hội thảo giới thiệu về ngành nghề, những buổi hội chợ hướng nghiệp để các em có cơ hội tiếp xúc sớm.
– Ngoài những buổi hội thảo, hội chợ có tính quy mô lớn, nên triển khai về các lớp bổ sung cố định trong một tiết sinh hoạt định kỳ. Trong tiết ngày, đại diện phụ huynh của nhóm ngành nghề đó có thể đến chia sẻ về chức năng, công việc, những ưu thế, khó khăn của nghề đó để các em nắm rõ. Ngoài ra, cô chủ nhiệm cũng có thể chia lớp theo nhóm để các con tự tìm hiểu ngành nghề và thuyết trình trước cả lớp. Làm như vậy, các con vừa được rèn luyện khả năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình, lại hiểu về ngành nghề đó một cách chủ động. Như vậy, các thông tin và hiểu biết về các ngành nghề khác nhau được các thu lượm bền bỉ qua thời gian, sẽ nuôi dưỡng và hình thành cho các con ngày càng rõ nét những mong muốn, yêu thích về ngành nghề mình hướng tới. Đến năm lớp 12, con có chính kiến và bản lĩnh để lựa chọn ngành nghề phù hợp và lập kế hoạch thực hiện ước mơ của mình.
– Trong quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, tôi nhận thấy các em sinh viên ra trường thiếu rất nhiều kỹ năng, một trong các kỹ năng quan trọng cần trang bị cho các em sớm là “lập kế hoạch và quản lý các mục tiêu cá nhân”. Thiết nghĩ, nhà trường cần bổ sung cho các em kỹ năng quan trọng này. Việc này, có thể thông qua Ban đại diện Cha mẹ học sinh, mở các lớp kỹ năng cho các con, hướng dẫn cách lập kế hoạch và quản lý các mục tiêu cá nhân. Bài tập thực hành có thể là lập kế hoạch học tập để thực hiện ước mơ vào một trường đại học, lựa chọn ngành nghề theo mơ ước. Hướng dẫn các con lập mục tiêu lớn, từ mục tiêu lớn chia thành các mục tiêu nhỏ qua theo thời gian năm, kỳ, tháng, tuần. Khi có kỹ năng này, các con có thể nhìn thấy một lộ trình cần phải đi và không bị “lạc lối”.
– Bên cạnh việc mời các giảng viên mở các lớp kỹ năng thì đội ngũ giáo viên trong nhà trường cũng nên được tham gia những lớp này để thống nhất một hệ tư tưởng. Từ đó, trong quá trình quản lý lớp, cô chủ nhiệm có thể ứng dụng để yêu cầu các con lập những kế hoạch nhỏ của riêng mình, kế hoạch chung của nhóm, của lớp. Như vậy, các kiến thức này sẽ tạo thành thói quen và hình thành nên kỹ năng của học sinh.
– Nhà trường cũng cần tuyên truyền chia sẻ đến các cha mẹ về những hoạt động này để CMHS cùng biết và phối hợp. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, cùng với sự quan tâm của cha mẹ, sự khuyển khích của cô chủ nhiệm và nhà trường, các con sẽ có động lực để hành động và thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Vai trò của cha mẹ học sinh:
– Quan sát, thấu hiểu và chia sẻ để cùng con khám phá những năng lực và sở thích. Động viên, cổ vũ để con có thể tự do thể hiện những tố chất và đam mê của mình trong các lĩnh vực.
– Sẵn sàng đóng góp kiến thức, công sức, tiền bạc để cùng nhà trường có thể tổ chức cho các con những buổi hội thảo, hội chợ về định hướng nghề nghiệp, những lớp phát triển kỹ năng. Chủ động giúp con làm quen với những ngành nghề trong khả năng tiếp cận của mình.
– Tôn trọng các quyết định lựa chọn ngành nghề của con. Sở thích của con trẻ có thể thay đổi, nay thế này, mai thế khác, điều đó làm cho các bố, mẹ luôn lo lắng không tin vào quyết định của con nên dẫn đến áp đặt theo mong muốn của mình. Trong trường hợp này, cha, mẹ nên quan sát con, có những góp ý , phân tích giúp con nhìn thấu đáo mọi vấn đề trong quyết định của mình, nhưng khi con vẫn lựa chọn thì nguyên tắc tôn trọng quyết định của con cần đặt ra. Có thể sau một thời gian con nhận thấy mình lựa chọn sai, nhưng đổi lại con cũng có những bài học quý giá để cẩn trọng trong các quyết định khác.
– Cùng con lập kế hoạch học tập để đạt được mục tiêu hoặc theo sát những mục tiêu con đã đặt ra. Tùy vào mục tiêu con chọn, cha mẹ sẽ cùng con lập kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu đó. Trong quá trình thực hiện, con trẻ sẽ có nhiều lúc áp lực, buông xuôi. Cha mẹ cần chia sẻ kịp thời, cùng con điều chỉnh mục tiêu nếu cần thiết, tạo động lực để con cố gắng vượt qua.
– Cuối cùng là cha mẹ học sinh cần phối hợp sát sao với cô chủ nhiệm, với nhà trường để nắm được các tư tưởng, công việc và hoạt động dành cho các con. Hiện nay, kênh tương tác giữa đại đa số phụ huynh với nhà trường hầu như không có, Cha mẹ học sinh chỉ có thể theo dõi một chiều trên trang web hoặc một số trang khác của nhà trường. Nên chăng có một cộng đồng phụ huynh với nhà trường để kịp thời trao đổi, chia sẻ và nắm bắt thông tin trong cách phối hợp giáo dục con.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân trong chủ để Định hướng nghề nghiệp cho học sinh, vai trò, trách nhiệm của nhà trường – Cha mẹ học sinh. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bố mẹ trong Ban phụ huynh để được cập nhật hoàn thiện nhận thức của mình.
Bác Trần Thị Huê – Trưởng ban PH lớp 10D1