GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10 “HÀ NỘI BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG” Tác giả – THẠCH LAM
70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước, ghi những dấu ấn quan trọng đối với Thủ đô nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Cũng bởi vậy, Hà Nội từ lâu đã trở thành một biểu tượng lâu đời và quý giá cho các nhà văn, nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm chân thành, dạt dào của mình với Thủ đô ngàn năm dấu yêu. Lật giở trang văn, ta bắt gặp Thạch Lam, nhà văn nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại với “Hà Nội băm sáu phố phường” – tác phẩm có thể đưa ta thả hồn vào dòng thời gian mênh mang đi cùng với bước tiến chảy trôi của lịch sử, từ đó thêm trân quý, tự hào về một Hà Nội đẹp dịu dàng đến nao lòng. Đây là tập bút ký tinh tế được tập hợp lại từ những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, như để nói hộ mọi trái tim tin yêu luôn hướng tới thủ đô rằng “Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”. Với văn phong nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, Thạch Lam đã khắc họa một Hà Nội cổ kính, thân thương qua những góc phố, con người, và ẩm thực đặc trưng. “Hà Nội 36 Phố Phường” không chỉ miêu tả cuộc sống phố phường mà còn là một bức tranh giàu chất thơ về nét văn hóa Hà Nội, chứa đựng tình cảm sâu đậm và sự hoài niệm về một thời đã qua.
Tập bút ký như một pho Hà Nội sử ký được viết bởi một con người yêu Hà thành âm thầm mà thấm thía, thiết tha. Xuyên suốt tập sách, Thạch Lam dẫn người đọc khám phá cuộc sống hằng ngày của những người dân Hà thành, những cái thú con con của dân thành phố, hàng quán ngõ ngách, những thức quà Hà Nội, cả “những chốn ăn chơi” và đặc biệt là hình ảnh con người xứ Kinh Kỳ đáng mến. Đó có thể là những người phụ nữ với nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn tất bật chịu thương chịu khó, là những tình cảm trong sáng thuần khiết dẫu hoàn cảnh có éo le, hay những tiếng rao miệt mài về đêm của những gánh hàng rong lam lũ. Nhà văn chú ý đến những biến chuyển dù nhỏ nhất của phố phường, oán trách nhẹ nhàng những góc khuất của thành phố, bâng khuâng về một Hà Nội xưa cũ, bồi hồi trước một Hà Nội đổi thay. Hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, phảng phất phong vị của ẩm thực, văn hóa thủ đô, thể hiện thái độ trân trọng hồn cốt của Hà Nội một thời xưa cũ mà đến tận bây giờ vẫn như vậy. Đọc tập bút ký, người đọc như được hòa mình vào một cuộc dạo chơi quanh Hà Nội, cảm nhận được sự trang nhã, quyến rũ của 36 phố phường, để thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân quý mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy.
Một Hà Nội cổ kính mang vẻ đẹp xưa, một Hà Nội mang bề dày lịch sử, chứng kiến bao khoảnh khắc huy hoàng và vẻ vang của dân tộc, nhưng ở đây, “Hà Nội băm sáu phố phường” chỉ hiện lên với những nét đặc trưng của đời sống thường nhật với những điều giản dị mà thiết tha tình đời. Thạch Lam đặc biệt nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa, những nét đẹp ẩn chứa trong từng sự vật, cũng như chú trọng đến những gì nguyên bản, thuần phác nhất. Hơn thế nữa, ẩm thực qua cách miêu tả tài tình của tác giả đã trở thành phương tiện truyền tải những bài học, trải nghiệm quý giá về cuộc sống. Chính sức lan tỏa mãnh liệt từ tình yêu to lớn dành cho Hà Nội của Thạch Lam đã mang đến cho biết bao con người những tình cảm dạt dào, mãnh liệt về mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến, để rồi ta cảm thấy tự hào, biết ơn vì một Hà Nội kiên cường bước qua những thăng trầm của lịch sử, tự nhắc nhở về công lao của ông cha, những chiến sĩ đã anh dũng đánh đổi tuổi trẻ, xương máu và nước mắt, góp phần gìn giữ thủ đô Hà Nội chứa đựng những nét văn hoá đặc sắc vốn có, song, cũng đầy triển vọng trong sự đổi mới văn minh của thời đại.
Khép lại cuốn sách cũng là lúc những rung cảm về thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, về mảnh đất đầy màu sắc, với những thức quà giản dị mà đậm đặc bản sắc truyền thống cùng những con người Hà Nội chịu thương, chịu khó chợt ùa về trong trái tim độc giả. Hướng tới Lễ kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), “Hà Nội băm sáu phố phường” chắc chắn sẽ giúp ta thêm yêu và trân trọng vẻ đẹp cổ kính ngàn đời dẫu có trải qua những biến chuyển thăng trầm không ngừng của thời thế về Hà Nội yêu dấu.
Tây Hồ, ngày 10 tháng 10 năm 2024
TỔ CÔNG TÁC THƯ VIỆN |