CHUYỆN ĐÃ 50 NĂM VỀ 4 CHÀNG TRAI ƯU TÚ
Họ là 4 trong 5 người học giỏi nhất lớp 10K chuyên toán Thành phố Hà Nội, đặt tại trường Chu Văn An, năm 1971. (Dạo ấy đất nước chia làm 2 miền. Giáo dục phổ thông ở Miền Bắc gồm 11 lớp, bắt đầu từ lớp Vỡ lòng, và kết thúc ở lớp 10.)
Bây giờ những người ấy làm gì?
Cả 4 người là liệt sĩ trong các năm 1972 – 1973 tại chiến trường Miền Nam, khi họ 19-20 tuổi.
Họ là Vũ Tuấn Hiệp, Lê Ngọc Huyền, Nguyễn Duy Lâm, và Nguyễn Minh Quang (theo thứ tự vần chữ cái).
Lâm sinh ra trong một gia đình có truyền thống về Y Dược. Hiện nay căn nhà của gia đình Lâm là một hiệu thuốc gia đình lớn, đầu phố Tràng Thi, cách mép nước Hồ Gươm chừng 50m. Huyền có cái tên như con gái, nhà ở phố Phù Đổng Thiên Vương. Huyền vào lớp chuyên Toán muộn, cuối năm lớp 8 (1969), sau khi, dù đang học lớp “thường”, đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Toán thành phố năm ấy. Hiệp là con một bà giáo, nhà ở cuối đường Trần Quốc Toản. Hiệp bị gẫy một nửa của 2 chiếc răng cửa, nên có tên Hiệp-sứt. Đó là kết quả của trò nghịch dại, nhảy lộn một vòng trên đống rơm trong lúc đợi cơm chiều, khi cả lớp tôi mới vào lớp 8. Quang nhà ở phố Liên Trì, điềm tĩnh và chắc chắn hơn cả. Trong suốt 3 năm THPT, Quang là cán sự Hình học của lớp chuyên toán chúng tôi.
Mỗi người một vẻ, họ là những học sinh xuất sắc và độc đáo của lớp chuyên Toán bậc Trung học phổ thông Hà Nội 1968-1971.
Một lần, khi mới học lớp 8, Hiệp sau nhiều ngày suy nghĩ, chợt hỏi tôi một câu thật bất ngờ: “Các bánh xe có nhất thiềt hình tròn không?” Tôi hơi giật mình, sau một lúc mới trấn tĩnh được, và cùng suy nghĩ với Hiệp. Câu hỏi của Hiệp hoàn toàn không lẩm cẩm. Hiệp muốn tìm một hình mà từ mọi điểm trên biên của nó, nối với trọng tâm, đều xác định một đường kính (tức là khoảng cách lớn nhất giữa 2 điểm trên hình), và do đó các đường kính này dài bằng nhau, trong khi khoảng cách từ điểm bất kỳ đó đến trọng tâm có thể thay đổi. Lâm, do đặc điểm của gia đình, có ưu thế trong các quan sát sinh học, rất cụ thể trong những vấn đề kỹ thuật, và đặc biệt rất giỏi lượng giác. Huyền thích đi đến cùng trong những vấn đề triết học thường được chúng tôi tranh luận. Vẻ ngoài hồ hởi và thoải mái, nhưng Huyền không bao giờ thoả hiệp, không bỏ cuộc trong hầu như bất kỳ cuộc tranh luận nào. Quang sâu sắc và kiệm lời, có tố chất của một nhà nghiên cứu từ rất sớm. Nói như thế để thấy rằng, mặc dù hồi đó chúng tôi không được trang bị bao nhiêu tài liệu chuyên biệt về Toán, chúng tôi không phải những con gà công nghiệp mắc bệnh “ngộ chữ”.
Cũng nên nhắc lại rằng, các kỳ thi học sinh giỏi dù ở cấp nào cũng đòi hỏi các tố chất của một cuộc chạy cự ly ngắn 100m, trong khi việc làm khoa học lại đòi hỏi các tố chất của môn Marathon 42,195 km. Hầu hết mọi người đều chỉ có một trong hai tố chất đó. Số người có được cả hai tố chất thực sự vô cùng ít ỏi.
Nhìn vào kết quả kỳ thi Học sinh giỏi Toán lớp 10 Miền Bắc 1971 (kỳ thi duy nhất và danh giá nhất lúc ấy của toàn bộ học sinh phổ thông Miền Bắc Việt Nam), ta thấy Giải Tư với điểm cao nhất là Vũ Tuấn Hiệp. Như trên đã nói, Hiệp có tư duy thiên về Vật Lý. Còn Huyền và Lâm có thiên hướng kỹ thuật, cụ thể. Người mà tôi đánh giá cao nhất về thực lực và triển vọng Toán học trong lớp tôi chính là Quang. Như một trò đùa của Tạo hoá, Huyền, Lâm, và Quang đều không được giải Toán Miền Bắc. Tuy nhiên, trên báo “Toán học và Tuổi trẻ” những năm 1968-1971, Hiệp, Huyền, Lâm, và Quang thường xuyên xuất hiện trên các lời giải hay của mục “Đề ra kỳ này”. Những năm tháng ấy, báo “Toán học và Tuổi trẻ” của Hội Toán học Việt Nam là lẽ sống, niềm vui, niềm tự hào của mỗi bạn trẻ yêu Toán.
Đội tuyển Hà Nội dự thi Học sinh giỏi Toán Miền Bắc năm 1971 gồm 14 người, trong đó có 9 người của lớp Chuyên Toán 10K Chu Văn An chúng tôi. Trong số 5 người không thuộc 10K, có đến 4 thí sinh dự bị, bài thi của những người này chỉ được chấm nếu có thí sinh chính thức bị phạm quy hay đau ốm.
Hết phổ thông 1971, Quang thi đỗ vào K16 Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (tức là lớp đại học của tôi), Hiệp đỗ K16 Khoa Lý cùng trường, Lâm thi đỗ K16 Khoa Toán-Lý Đại học Bách khoa Hà Nội, còn Huyền vào học Đại học Xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên, Quang, Lâm, và Hiệp vì sinh cuối năm 1953, mùa hè 1971 tròn 18 tuổi, phải vào bộ đội từ khu phố, trong khi phần lớn bạn bè cùng lớp sinh năm 1954, nên hè ấy chưa phải đi lính. (Không thể nói Quang, Lâm, và Hiệp đã học muộn một năm. Hồi đó, có quy định rất nghiêm khắc rằng học trò sinh từ mùng 1/9 của một năm đến 31/8 năm sau học cùng một lớp.)
Trong số 9 thí sinh của 10K thuộc đội tuyển Hà Nội dự thi Học sinh giỏi Toán Miền Bắc năm 1971 thì 4 người (Hiệp, Huyền, Lâm, và Quang) sau này đã thành liệt sĩ.
Năm 1972, Hiệp và Lâm tình cờ gặp nhau trong một cánh rừng Trường Sơn thuộc khu vực Thừa Thiên, một người là lính của trung đoàn đi trước, còn một người là trinh sát của trung đoàn đi sau. Đêm ấy họ mắc võng ngủ cạnh nhau. Một trận bom B52, họ đã hy sinh.
Huyền nhập ngũ tháng 9/1972, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Xây dựng Hà Nội, cùng đợt hơn 200 sinh viên. Huyền hy sinh cùng với hầu như toàn bộ 200 tân binh vốn là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội trong cuộc càn khốc liệt sáng 3/10/1973 giữa mùa nước nổi tại rừng tràm ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An. Dân ấp Đá Biên đến nay thờ các anh như Thành hoàng làng, và gọi các anh là các Thành hoàng Mũ Cối.
Khi Quang mới vào lính, Quang và tôi thường xuyên trao đổi thư từ. Quang bắt tôi tường thuật mỗi số báo “Toán học và Tuổi trẻ” mới ra. Giữa những giờ luyện tập vất vả, Quang giải nhiều bài trong mục “Đề ra kỳ này” của tờ báo ấy, và gửi về cho tôi. Trong đó, có những lời giải độc đáo khiến tôi sững sờ. Khi Quang vào chiến trường Miền Nam, việc trao đổi thư từ giữa chúng tôi bị ngừng. Bỗng, sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, tôi nhận được thư Quang. Sau đó, Quang còn viết thư cho tôi vài lần. Mỗi vòng thư của chúng tôi hồi ấy cần vài tháng để đi về. Thư Quang viết trên giấy pơ-luya. Quang là người viết chữ đẹp nhất mà tôi từng biết trên đời. Trong những bức thư ấy, không còn thấy một Quang đầy hoài bão và trong sáng, thay vào đó là một Quang đổ vỡ. Có một cái gì trong Quang đòi được nhận thức lại chăng? Tôi hỏi Quang: “Điều gì đã xảy ra?” Nhưng rồi Quang ra đi mãi mãi, nghe nói ở vùng ven biển Sa Huỳnh, đem theo cả điều “bí mật” mà Quang hẹn sẽ nói với tôi lúc trở về. Quang, một người thông minh và nhạy cảm, đã tự nhận thức điều gì qua chiến tranh? Câu hỏi ấy giày vò tôi suốt 50 năm qua.
Trong 5 người của lớp 10K thuộc đội tuyển thi Toán còn sống sau chiến tranh, Bạch Long Giang và Đào Trọng Thu cũng từng nhập ngũ hè 1972, khi đang là sinh viên năm thứ nhất K16 Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thu sau này vẫn ở trong quân đội cho đến khi về hưu với hàm trung tá. Giang khi xuất ngũ trở lại học Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi về dạy Đại học Giao thông, và nay là một doanh nhân. Vũ Toàn Thắng học rồi dạy khoa Điện Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó chuyển vào Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, đã mất năm 2011 vì ung thư.
Hồi ấy không thể gọi vào lính tất cả mọi thanh niên. Có một quy định bất thành văn của xã hội như thế này: Nếu bạn là sinh viên, và nhà bạn chỉ có một con trai, thì bạn được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Nói nôm na, xã hội “giữ giống” cho gia đình bạn.
Thái Quỳnh Phong là người duy nhất trong đội tuyển được Nhà nước cử đi học nước ngoài, cùng với 6 người không thuộc đội tuyển, trong tổng số 29 học sinh lớp 10K. Về sau, Phong lấy bằng tiến sĩ toán tại Pháp, rồi đưa cả gia đình sang sống ở Pháp với nghề tin học.
Thời bao cấp, nhà nước quyết định việc học của toàn xã hội, ai được đi học, ai không được, học gì, ở đâu, chủ yếu dựa trên lý lịch. Cá nhân không được quyền quyết định việc học của mình. Không thể tự trả tiền để được đi học, dù là học trong nước hay ngoài nước.
Cả lớp 10K xưa hiện chỉ còn mình tôi đang làm toán chuyên nghiệp.
Những con số thống kê biết nói, tiếng nói của sự lặng im.
Tôi đã kết thúc lời nói đầu bài báo dài 40 trang của tôi trên tạp chí Japanese Journal of Mathematics, Vol 13, No. 1 (1987), 169-208 như sau:
“I cannot terminate the introduction of this article without saying a few words dedicated to the memory of my closed friends, Q., L., H., who died in the war; above all they had share with me many dreams and inspirations in mathematics.”
(Tôi chỉ nói về 3 người bạn, chứ không phải 4, vì tin Huyền hy sinh mãi về sau mới được xác nhận.)
Đất nước tôi một thời như thế. Chiến tranh. Những chàng trai ưu tú ngã xuống ở chiến trường. Lòng người tao loạn. Chỉ nhìn qua một lớp học, như lớp tôi, có không tới 30 người, cũng thấy được xã hội.
Tôi tin (với một niềm tin như Tôn giáo) rằng nếu còn sống, 4 người bạn sâu sắc và dài hơi của tôi, Hiệp, Huyền, Lâm, và Quang, phải là những nhà khoa học cự phách đương đại của Việt Nam.
Viết trong đại dịch Covid 19, tháng 8/2021
Nguyễn Hữu Việt Hưng