HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ Dâng hương Đền danh sư Chu Văn An và tham quan khu di tích Côn Sơn
Cứ mỗi độ thu về, trường THPT Chu Văn An lại tổ chức chuyến hành hương về Đền danh sư Chu Văn An. Đó là hoạt động giáo dục truyền thống kết hợp tham quan dã ngoại dành riêng cho khóa học sinh mới của nhà trường.
Tiết trời thật như giao hòa với người, dường như có linh khí từ ngàn xưa ứng lại, khoảng 5 rưỡi sáng, học sinh bắt đầu tập trung tại sân trường. Trong sân trường, từ học sinh đến các thầy, cô giáo đều háo hức, bâng khuâng cho chuyến dã ngoại đầu tiên trong năm học mới.
Sáu giờ sáng, trời quang mây tạnh, vừng Đông hửng sáng, đoàn xe bắt đầu khởi hành, chuyến hành hương được bắt đầu. Người người trên xe đều thật vui vẻ. Xe dần xa Thành phố Hà Nội, để lại đằng sau những tòa nhà cao ngất, dòng sông Hồng cuồn cuộn chở phù sa.
Để lại đằng sau sự náo nhiệt bắt đầu một ngày mới, chúng tôi đi về phía Đông, nơi mặt trời mọc. Những làng quê cánh đồng phì nhiêu thủa nào, nay nhường chỗ cho các khu đô thị, các khu công nghiệp, đường giao thông chằng chịt, người và xe đi lại như mắc cửi, người người đang hối hả tới nơi làm việc. Một ngày làm việc mới lại bắt đầu!
Khoảng 8 giờ rưỡi, chúng tôi đã đến khu vực Chí Linh Hải Dương, một trong những vùng đất linh thiêng của Người Việt. Nằm giữa bốn bề bát ngát thông xanh và tiếng suối reo ở vùng núi Chí Linh. Đi qua những con đường quanh co giữa bạt ngàn những vườn nhãn, na, bưởi, tiếp đến là những rặng thông xanh mướt, chúng tôi đến núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An (trước đây là xã Kiệt Đặc), huyện Chí Linh, Hải Dương – nơi tọa lạc của Đền thờ Chu Văn An. Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về.
Con đường dẫn vào Đền uốn lượn theo sườn núi. Nhìn bao quát, ngôi đền được thiết kế, xây dựng, bài trí độc đáo, mang đậm màu sắc truyền thống toát lên vẻ nghiêm cẩn, nhưng ấm áp, trang trọng. Một không gian rộng lớn, choáng ngợp một màu xanh bạt ngàn của thông.
Bước vào khuôn viên khu di tích, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp trông xa như một tấm thảm nhung trải lên các bậc đá để bước lên Đền. Kế tiếp là hàng chữ “Vạn thế sư biểu” bằng Hán tự in trên nền đá thể hiện tấm lòng tôn kính của bao thế hệ người Việt dành cho người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm khác biệt nữa ở đền Chu Văn An, khi vào đền, ngoài việc dâng lễ chay, lễ mặn du khách còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành.
Đoàn tham quan của trường do Cô giáo Hiệu trưởng làm Chủ Lễ dâng hương và đọc lời tấu bạch. Không ai bảo ai, tất cả đều chỉnh tề đứng nghiêm trang trước đền thờ Thầy. Khúc tấu bạch trang trọng, thiết tha; người người trong đoàn lặng im như tưởng về nơi ngàn xưa xa lắm, như được Người linh ứng chứng giám; đâu đó tiếng chim hót như khúc ca chào đón. Một cảm giác có cái gì rất thân thuộc, thiêng liêng cứ xuất hiện trong tôi, rất thanh bình; tâm hồn tôi như hòa nhập cùng với thiên nhiên, đất trời.
Rải đều những bậc đá bước đến nơi Lăng Mộ của thầy Chu Văn An. Từng bậc từng bậc vươn về phía trước, như thầm nhắc sự học dõi bước theo cổ nhân còn xa nhưng không phải không thể, mà đòi hỏi mỗi kẻ hậu học phải tự mình tiến bước “sự học có bước đầu mà không bước cuối”. Chúng tôi bước lên phía trước, thong thả mà háo hức, đi với lòng kính cẩn và tự hào. Chẳng mấy chốc, Đoàn chúng tôi đã đến được nơi Lăng Mộ. Đất trời như mở ra, một vùng đất bao la.
Lăng mộ Thầy tọa lạc trên đỉnh núi Ph¬ượng Hoàng giữa rừng thông bát ngát, bầu trời xanh thẳm. Kiến trúc xây liền khối theo hình chữ nhật theo h¬ướng Đông Nam. Trang trí mỹ thuật chính tập trung khắc hoạ hình t¬ượng: Cuốn sách và giải bút nhọn thể hiện cho đức nghiệp thanh cao, trong sáng vì sự nghiệp giáo dục đất nư¬ớc của thầy Chu Văn An. Điện Lưu Quang nằm bên phải đền về phía tây – tương truyền là nơi Thầy dạy học khi về núi Phượng Hoàng. Chúng tôi yên lặng, thứ tự thắp hương trước Lăng Mộ của Người, tâm niệm sẽ gắng học hành mong sau này đem sự học của mình ra giúp ích cho đất nước.
Đất trời như mênh mông, người người trầm mặc tưởng nhớ tới Người thầy vĩ đại của đất Việt. Không gian trầm lắng, gió hiu hiu thổi, hàng thông lặng lẽ xao xác lá đưa…
Khoảng 10 giờ, đoàn lại tập trung và khởi hành đến Côn Sơn – Kiếp Bạc tiếp tục cuộc hành trình. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là một trong 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương, cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 30km về hướng Bắc chếch Đông.
Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề vốn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm). Thắng cảnh này cũng tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Địa thế đó đã tạo nên một vùng danh sơn huyền thoại với những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của hai vị anh hùng Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…
Ẩn mình dưới những vòm cây cổ thụ- một vẻ đẹp rất cổ kính. Chùa Côn Sơn hay còn gọi là chùa Hun, tọa lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X.
Chùa Côn Sơn tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành.
Thiên nhiên nơi đây đẹp đẽ và thơ mộng. Nơi đây có sự hòa hợp của văn hoá Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo.Từ chùa Côn Sơn hướng lên khoảng 600 bậc đá giữa rừng thông xanh là đến đỉnh núi Côn Sơn cao 200m.
Mọi người kể rằng: trên đỉnh núi Côn sơn là khu đất bằng phẳng, ở giữa có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.
Theo lịch trình, Đoàn lại tiếp tục đi tới khu Đền thờ Nguyễn Trãi. Không gian nơi đây thật thanh bình và tĩnh lặng. Gió hiu hiu thổi mát rượi, những chú chim hót véo von, nhưng vẫn không làm giảm bớt sự tĩnh lặng của nó. Âm hưởng như tự ngàn năm tràn về kể những chiến công hiển hách oai hùng của dân tộc Việt. Cô giáo Hiệu trưởng dẫn đầu làm Chủ Lễ dâng hương, sau đó người người tuần tự đi lễ Đền.
Đặt chân đến đền thờ Nguyễn Trãi, chúng tôi như trở lại với bao ký ức về lịch sử hào hùng của dân tộc. Người người kính cẩn tiến vào trong chín điện kính cẩn dâng hương tưởng nhớ Người anh hùng dân tộc – Nguyễn Trãi. Chúng tôi cùng cầu mong cho Quốc thái, Dân an, nguyện noi gương Người dựng xây và bảo vệ giang sơn đất Việt vẹn toàn.
Rời Đền thờ Nguyễn Trãi, chúng tôi trở về nơi tập kết. Không gian như rộng mở, mênh mông, chúng tôi như được sống trong niềm hân hoan vô tận. Theo bố trí, chúng tôi tập trung theo lớp và nghỉ ăn trưa.
Sau thời gian nghỉ trưa, khoảng 2 giờ chiều chúng tôi tập trung và tham gia các trò chơi do Nhà trường tổ chức. Vui nhất là trò chơi kéo co, nhảy bao bố cùng di chuyển bóng. Các đội tham gia hào hứng. Thật vui mừng và lạ kỳ, lớp 10 Văn giành giải vô địch trò chơi kéo co làm cho lớp bạn phải khâm phục. Lớp 10 Sử giành giải vô địch trong trò chơi nhảy bao bố và di chuyển bóng.
Khoảng 4 giờ chiều, theo lịch trình, toàn Đoàn lại tập trung lên xe và ra về kết thúc chuyến hành hương. Đoàn xe đi nhanh về phía Thành phố, thời gian như ngừng lại, bao nhiêu ký ức đan xen cuả chuyến hành hương, niềm vui được kể lan truyền trên xe, ai cũng cảm thấy vui mừng phấn khởi. Phía xa chân trời, mặt trời đỏ dần lặn xuống, thành phố dần hiện ra.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã về tới thành phố. Bên kia sông, thành phố trông vô cùng đẹp với những ánh đèn lung linh – Thành phố đã lên đèn.
Cổng trường Chu Văn An rộng mở chờ mong chúng tôi trở về sau chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa. Cảm xúc trào dâng, gió Tây Hồ nhè nhẹ thổi, các vì sao dần hiện ra trên bầu trời. Tôi lặng mình, âm hưởng chuyến đi như trong từng nhịp thở.
Hà My – Thu Hương
Ảnh: Thảo Nguyên
10 Văn