CHÀO MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22/12/2023
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, đồng thời là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Gần 80 năm trôi qua, dấu mốc về những trận chiến hào hùng của lịch sử vẫn luôn còn đó ngân vang những công lao của các vị chiến sĩ anh hùng hy sinh chiến đấu vì hòa bình Tổ quốc. Trong đó, nhằm làm sáng tỏ những diễn biến và góc khuất của chiến tranh theo góc nhìn của bộ đội không quân người Việt, cựu phi công MiG-21 Nguyễn Sỹ Hưng – cựu học sinh trường Bưởi niên khóa 1963-1966, đã viết cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) – nhìn từ hai phía” với tựa tiếng Anh là“Historic Confrontations – Air battles between VNP Air Force and US Air Power (1965-1975)”.
Nếu câu chuyện về những chiến lệ trên không giữa Mỹ và Việt Nam nằm gọn trong một khối lập phương, thì cuốn sách đã thành công đưa đến một cách khai thác tư liệu lịch sử hoàn toàn mới: đa chiều, song phương, toàn diện. Nhóm biên soạn đã lội ngược về quá khứ, tìm kiếm những người đồng đội đã cùng kề vai sát cánh trên bầu trời năm tháng huy hoàng ấy như cựu phi công Nguyễn Văn Bẩy, Lê Thành Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Đăng Tính,… để thu thập tư liệu quý giá, đồng thời cũng là một dịp hiếm hoi họ được cùng nhau ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu đã khảm sâu vào trong tâm thức mỗi người. Câu chuyện không chỉ là sự khẳng định về trí lực và lòng dũng cảm của các anh hùng đời thực bước ra từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, về tầm nhìn chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh tối cao, mà còn là sự tri ân cho những người hùng áo vải thầm lặng mà tới tận bây giờ mới được nhắc tên. Bên cạnh đó, “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) – nhìn từ hai phía” còn mang theo sứ mệnh cao cả trong công cuộc khép lại quá khứ, hướng tới tương lai: cuốn sách là cầu nối, là tiếng nói song phương đáp lại những cựu phi công người Mỹ, là cơ hội để hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra.
Xuyên suốt các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam, những cựu học sinh anh dũng, quả cảm, tài trí đến từ trường Bưởi – Chu Văn An đã vinh dự góp mặt để chiến đấu, bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Từ tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt cùng lòng quả cảm, những người chiến sĩ ấy đã chiến đấu và đổ máu nơi chiến tuyến để gìn giữ độc lập nước nhà, đóng góp vào chiến thắng của chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Trong đó phải kể đến:
– Trung đoàn KQ 921, lái chiếc máy bay MiG-21: Phi công Nguyễn Tuấn Ngòi (niên khóa 1963-1966); Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng (niên khóa 1963-1966).
– Trung đoàn KQ 923, lái chiếc máy bay MiG-17: Đại úy, Liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng; Trung úy, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Sinh (niên khóa 1957-1960); Thiếu úy Nguyễn Văn Phi (niên khóa 1957-1960).
– Trung đoàn KQ 925, lái chiếc máy bay MiG-19: Đại tá Vũ Chính Nghị (niên khóa 1961-1964); Đại tá Phạm Cao Hà (niên khóa 1964-1966).
– Trung đoàn KQ 927, lái chiếc máy bay MiG-21: Đại tá Nguyễn Tiến Sâm (niên khóa 1961-1964); Đại úy, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều; Đại tá Hạ Vĩnh Thành (niên khóa 1961-1964); Đại tá Nguyễn Thanh Quý (niên khóa 1964-1966); Đại tá Từ Đễ (niên khóa 1963-1966).
– Kỹ sư phụ trách máy bay, động cơ quân chủng phòng không – không quân: Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng (niên khóa 1963-1966); Tiến sĩ Lê Kiên Thành (niên khóa 1969-1972); Thiếu tướng Võ Cẩm (niên khóa 1963-1966), Tiến sĩ Nguyễn Duy Tộ (niên khóa 1969-1972).
Mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc tới những người anh hùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 79 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 34 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, hãy cùng Tổ CTV Thư viện C-Library ôn lại trang lịch sử vẻ vang của dân tộc trong những trận chiến oanh liệt của quân và dân ta bằng việc tìm đọc cuốn sách “Historic Confrontations – Air battles between VNP Air Force and US Air Power (1965-1975)” tại Nhà Bát Giác nhé!