Diễn văn Đại Lễ kỉ niệm 110 năm truyền thống trường Bưởi – Chu Văn An Thứ 7, ngày 03 tháng 11 năm 2018 (Bí thư – Hiệu trưởng Cô giáo Lê Mai Anh)
– Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam !
– Kính thưa: các Đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể cơ quan Trung ương và Thành phố Hà Nội; Đại diện các Đại sứ quán, các đơn vị đối tác liên kết là các trường đại học và phổ thông thân thiết trong và quốc tế!
– Kính thưa các thầy cô nguyên là lãnh đạo của Trường Bưởi – Chu Văn An, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên; các bậc cha mẹ học sinh và các thế hệ cựu học sinh của nhà trường !
– Cùng Các em học sinh yêu quý !
Hôm nay, trong không khí phấn khởi và tự hào, Trường THPT Chu Văn An long trọng tổ chức Đại Lễ kỉ niệm 110 năm truyền thống Trường Bưởi – Chu Văn An và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba – Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước phong tặng.
Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt Đảng uỷ, lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 2000 học sinh xin được nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng toàn thể các vị đại biểu, khách quý đã có mặt và chia sẻ niềm vui chung với thầy và trò trường THPT Chu Văn An.
Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội và quý vị đại biểu, khách quý không chỉ thể hiện mối quan tâm đặc biệt và những tình cảm chân thành vô cùng quý báu mà còn là nguồn cổ vũ, động viên và khích lệ to lớn đối với Nhà trường.
– Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
– Thưa các Quý vị đại biểu, khách quý !
– Các em học sinh yêu quý !
Đúng 110 năm trước đây, ngày 9 tháng 12 năm 1908, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Trường Thành chung Bảo hộ. Đến năm 1931, trường được nâng cấp thành Trường Trung học Bảo hộ. Tuy nhiên do trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê ở vùng Kẻ Bưởi, ven Hồ Tây nên nhân dân và các thầy giáo người Việt Nam cùng các học trò vẫn gọi là trường Bưởi. Trường Bưởi không chỉ là tên gọi thân thương, mà còn thể hiện tinh thần yêu nước, bản lĩnh văn hoá của vùng đất thiêng ngàn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội và các thế hệ học trò đầu tiên không chấp nhận cái tên trường bảo hộ mà thực dân Pháp áp đặt. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12 tháng 6 năm 1945, Khâm sai Bắc Bộ Phan Kế Toại ra quyết định đổi tên trường thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An – lấy theo tên vị danh sư – Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời) Chu Văn An và cử giáo sư Nguyễn Gia Tường làm Hiệu trưởng. Tên Trường Chu Văn An được giữ từ ngày đó đến nay.
Trường ra đời trong bối cảnh dân tộc ta mất nước, đất nước trở thành thuộc địa của những kẻ thực dân. Do đó, quá trình phát triển của nhà trường đã song hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc ta trong suốt thế kỉ XX, gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại và công cuộc xây dựng đất nước của dân tộc ta. Người Pháp mở trường Trung học Bảo hộ theo mô hình giáo dục Pháp với mục đích đào tạo công chức trung-cao cấp người Việt cho bộ máy cai trị của họ. Nhưng với tinh thần yêu nước mãnh liệt, bản lĩnh của một dân tộc có văn hiến, người Hà Nội và các học sinh trường Bưởi đã biến trường Bảo hộ thành cái nôi đào tạo ra những trí thức trẻ, có tinh thần tự tôn dân tộc. Trong số đó phải kể đến những tấm gương học sinh ưu tú đã sớm tham gia các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng.
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, Trường Bưởi – Chu Văn An đã chứng kiến những sự kiện lịch sử hào hùng trong bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Khi toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ và anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, trường Chu Văn An được chia làm hai phân hiệu, một phân hiệu chuyển về vùng kháng chiến Đào Giã – Phú Thọ do thầy giáo Trần Văn Khang làm hiệu trưởng, bền bỉ, kiên cường cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện kháng chiến – kiến quốc. Trong 9 năm kháng chiến, rất nhiều học sinh Trường Chu Văn An đã gia nhập tự vệ và bộ đội Việt Minh. Nhiều người sau đó đã trở thành cán bộ cao cấp như Nguyễn Xiển, Phan Anh,… Nhiều người sau này trở thành tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta như Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự…
Đến giai đoạn 1954 – 1975, nhà trường tiếp tục phát triển, hăng hái thi đua dạy tốt – học giỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam. Cùng với quân và dân cả nước, thầy và trò trường THPT Chu Văn An bước vào những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trường sơ tán về huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Không thể nào quên nghĩa tình đồng bào, đồng chí ngời lên trong gian khổ, thiếu thốn.Tình thương yêu, đùm bọc của nhân dân đã giúp cho thầy và trò vững tâm, khắc phục mọi khó khăn, miệt mài giảng dạy và học tập. Nhiều học sinh Trường Chu Văn An sau đó đã lên đường cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiều người đã trở thành liệt sĩ và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Chư… Nhiều học sinh và cả giáo viên của trường đã tham gia chiến đấu trong các binh chủng phòng không – không quân chống lại các cuộc không kích của giặc, trong đó có những người được phong anh hùng như Nguyễn Tiến Sâm, Vũ Xuân Thiều.
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, nước nhà thống nhất, Trường THPT Chu Văn An cùng cả nước bước vào công cuộc tái thiết đất nước, mà nhiệm vụ cấp bách là đào tạo ra thế hệ học sinh tài năng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Cho đến năm 1986, trường Chu Văn An là trường có lớp chuyên Toán duy nhất của ngành giáo dục Thủ đô, nơi đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh chuyên Toán giành thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia, các kì thi Olympic Toán Quốc tế và sau đó đã thành công trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chủ nhiệm bộ môn Đại số tuyến tính trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS-TS Trương Gia Bình, tổng giám đốc công ty FPT, PGS-TS Đào Tiến Khoa, giám đốc Trung tâm tính toán cơ bản, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.
Đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, giáo dục và đào tạo đã được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu. Do đó, ngày 17 tháng 2 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra quyết định xây dựng trường Chu Văn An trở thành một trong 3 trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Cùng với trường Quốc học Huế và trường chuyên Lê Hồng Phong Thành phố Hồ Chí Minh, trường Chu Văn An bước sang một giai đoạn phát triển mới. Từ đó đến nay, Trường THPT Chu Văn An không ngừng phát triển cả về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Tám chữ vàng “Yêu nước – Cách mạng – Dạy tốt – Học giỏi” đã được các thế hệ thầy và trò nhà trường tiếp tục thực hiện và phát triển về chất. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục noi theo các thế hệ nhà giáo đã làm rạng danh nhà trường, vững vàng về chuyên môn, tâm huyết, yêu nghề. Chất lượng giáo dục học sinh tiếp tục được phát triển, giữ vững đơn vị lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô.
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
Thưa các Quý vị đại biểu, khách quý !
Các em học sinh yêu quý !
Một trăm mười năm xây dựng và trưởng thành, Trường Bưởi – Chu Văn An đã trở thành một phần quan trọng của nền giáo dục Thủ đô và nền giáo dục Cách mạng Việt Nam. Những ngôi nhà lớp học cổ kính, những hàng cổ thụ lặng lẽ toả bóng mát xuống sân trường đã chứng kiến biết bao thăng trầm của ngôi trường cùng lịch sử dân tộc ta trong thế kỉ XX.
Tám chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho nhà trường nhân ngày Người về thăm sau ngày Hòa bình lập lại: “Yêu nước – Cách mạng – Dạy tốt – Học giỏi” luôn được giáo viên và học sinh Nhà trường ghi nhớ. Nhìn lại lịch sử 110 năm của nhà trường, chúng ta hôm nay có quyền tự hào về những gì đã làm nên danh tiếng của một ngôi trường. Đó là truyền thống: “Yêu nước – Cách mạng – Dạy tốt – Học giỏi” không chỉ tôn chỉ mà đã đi vào thực tế giảng dạy và học tập; trở thành kim chỉ nam, thành chiến lược của nhà trường trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Tám chữ vàng, cô đọng đã làm thành nền tảng cho sự phát triển của nhà trường, coi trọng giáo dục toàn diện cả tâm và trí, đức và tài, dạy chữ gắn với dạy người. Cùng với đó, Nhà trường luôn coi trọng yếu tố vai trò người thầy trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo – Chính vì vậy Trường Bưởi – Chu Văn An luôn có một đội ngũ giáo viên tài năng về khoa học và sư phạm, cùng sự tâm huyết, say mê với sự nghiệp trồng người. Điều này vừa tạo ra nền tảng chất lượng vừa làm nên truyền thống của nhà trường. Những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tài năng, nhân cách lớn, tâm huyết với nghề dạy học, sự nghiệp trồng người như các nhà giáo: Giáo sư Dương Quảng Hàm, Giáo sư Nguyễn Lân, Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn….đến ngày hôm nay vẫn toả sáng, có sức lan toả và truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên tiếp bước. Bên cạnh đó, nhà trường đã tạo ra được một truyền thống đáng quý là coi trọng sự nỗ lực, phấn đấu học tập không ngừng của các thế hệ học sinh.
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
Thưa các Quý vị đại biểu, khách quý !
Các em học sinh yêu quý !
Thực tế, trong suốt 110 năm xây dựng và trưởng thành, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh của trường Bưởi – Chu Văn An cũng luôn có ý chí, niềm đam mê cháy bỏng, có khát vọng, hoài bão lớn. Điều này tạo ra nền tảng phát triển quan trọng đối với nhà trường, bởi đã thực sự khơi dậy được mọi tiềm năng ở mỗi người học sinh. Từ mái trường này, đã đào tạo ra hàng trăm ngàn học sinh ưu tú, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường đã trở thành các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Nguyễn Văn Cừ – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng quân đội tài ba, đức độ Lê Trọng Tấn, đồng chí Lê Văn Lương…và rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt như Hoàng Ngọc Phách, Ngụy Như Kon Tum, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Điềm,…. Đặc biệt, dù trong hoàn cảnh nào, nhà trường cũng luôn duy trì được môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, dân chủ, tiên tiến, văn minh. Đó là những bài học quý giá mà chúng ta hôm nay rút ra từ lịch sử phát triển của trường Bưởi – Chu Văn An, để chúng ta kết nối và lan tỏa, tiếp tục phát triển nhà trường luôn xứng đáng truyền thống vẻ vang của ngôi trường cách mạng xuyên thế kỉ.
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
Thưa các Quý vị đại biểu, khách quý !
Các em học sinh yêu quý !
Kế tiếp sự nghiệp của các thế hệ đi trước, trong thời gian qua, nhà trường tiếp tục làm sâu sắc hơn truyền thống “Yêu nước – cách mạng – dạy tốt – học giỏi” đã được khẳng định qua lịch sử 110 năm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nhà trường tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, nhân văn, tiên tiến; đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn vững vàng tạo tiền đề bảo đảm chất lượng tu dưỡng, học tập của học sinh là nhân ái, tự trọng, năng động, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Để có một môi trường giáo dục vừa thấm nhuần bản sắc văn hoá dân tộc, vừa tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại, đáp ứng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0, Nhà trường một mặt chú trọng giáo dục truyền thống, coi trọng các bộ môn khoa học xã hội – nhân văn, các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mĩ, kĩ năng sống; một mặt tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận những kiến thức, phương pháp tư duy mới, hiện đại, trang bị kĩ năng cho công dân thời đại hội nhập. Đó là Nhà trường thực hiện Đề án đào tạo song bằng THPT Quốc gia Việt Nam và THPT Anh Quốc, chứng chỉ E – level, tiếp tục thực hiện việc giảng dạy tiếng Anh nghe nói bởi người bản ngữ, dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, giảng dạy tiếng Đức là ngoại ngữ thứ hai, giảng dạy chương trình tin học văn phòng quốc tế do Microsoft cấp bằng cho học sinh lớp 10,… Nhà trường đã hoàn thành bước đầu trong việc xây dựng Đề án “Xây dựng trường THPT Quốc gia Chu Văn An trở thành trường THPT đạt chuẩn quốc tế”. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện và kiên trì mục tiêu của Trường đã được quy định tại Quyết định số 89/TTg ngày 17/02/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng 03 trường phổ thông trung học chất lượng cao tại Hà Nội, Thừa Thiên – Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của một trường THPT trọng điểm chất lượng cao quốc gia: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đạt chuẩn khu vực và quốc tế; phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nguồn cán bộ tương lai cho Thủ đô, các tỉnh phía Bắc và nước bạn Lào. Tiếp tục mục tiêu xây dựng và phát triển Trường PTTH Chu Văn An theo mô hình trường công lập, tự chủ, có cơ chế đặc thù về tài chính. Qua đó giúp nhà trường phát huy mọi nguồn lực, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
Thưa các Quý vị đại biểu, khách quý !
Các em học sinh yêu quý !
110 năm, trên hành trình dài lâu ấy, Trường Bưởi – Chu Văn An đã được nuôi dưỡng trong hào khí Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, được xây dựng và trưởng thành bởi biết bao thế hệ thầy và trò, biết bao sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã luôn dành cho trường Bưởi – Chu Văn An những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu sắc. Chúng ta thành kính tri ân các thế hệ nhà giáo trong suốt 110 năm qua, họ đã lặng lẽ và bao dung cho sự nghiệp khai tâm mở trí, gieo trồng tri thức cho đời sau trái ngọt cây lành; biết ơn các thế hệ học sinh đã học tập – cống hiến cho đất nước, nhân dân, làm rạng danh truyền thống trường Bưởi – Chu Văn An. Chúng ta trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cha mẹ học sinh suốt chiều dài lịch sử 110 năm của nhà trường.
Nhìn lại chặng đường 110 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về những gì mà trường Bưởi – Chu Văn An đã cống hiến cho đất nước. Hơn một thế kỉ đã tạo ra một truyền thống tốt đẹp, một giá trị văn hoá trường Bưởi – Chu Văn An và một hành trang đầy đủ, một bản lĩnh kiên cường để vững bước tiến vào tương lai. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng với truyền thống của ngôi trường xuyên thế kỉ, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành của Trung ương và Thành phố Hà Nội, sự yêu thương và đùm bọc của nhân dân, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh, Trường THPT Chu Văn An sẽ phát triển lên một tầm cao mới, trường THPT Chu Văn An mãi xứng đáng với ngôi trường mang tên người thầy, danh sư của muôn đời – Vạn thế sư biểu Chu Văn An, đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, là ngọn cờ đầu của Ngành Giáo dục Thủ đô và cả nước và hướng tới đạt chuẩn quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Kính thưa Chủ tịch Quốc hội !
Thưa các vị đại biểu, khách quý !
Các em học sinh yêu quý !
Trong tiếng trống, tiếng chiêng rền vang, bừng lên hào khí Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, trong sắc thu vàng giữa sân trường thân yêu, chúng ta hãy tự hào và tự tin bước tiếp trên con đường tri thức, tiếp bước các bậc tiền nhân, các nhà giáo lão thành, các thế hệ học sinh tài năng, đức độ để Ngôi trường Chu Văn An mãi mãi là niềm tự hào của Thủ đô và cả nước, là nơi trở về thiêng liêng, thân thương và vô cùng ấm áp của mỗi chúng ta.
Một lần nữa, cho phép tôi thay mặt toàn thể Đảng viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường xin được trân trọng cảm ơn và kính chúc đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Quý vị đại biểu, khách quý, cùng các thầy giáo, cô giáo nguyên là lãnh đạo nhà trường, các nhà giáo lão thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên, các bậc cha mẹ học sinh và các thế hệ học sinh của nhà trường mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!