Dự án vì môi trường của học sinh THPT Chu Văn An
Dự án MONOSPERMA của học sinh Chu Văn An được thành lập nhằm hưởng ứng chuỗi hoạt động SPARKLING 2019 – Vẻ đẹp học sinh Chu Văn An. Với chủ đề chính là môi trường, Ban tổ chức đang nỗ lực nhằm thúc đẩy tiếng nói học sinh Chu Văn An trong việc nâng cao ý thức mọi người về vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay.
Môi trường hiện nay đang là một vấn đề nóng nhận được mối quan tâm lớn đến từ giới truyền thông và người dân trên cả nước. Tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Hà Nội đã gây ra nhiều sự lo ngại cho sức khỏe và tính mạng con người.
Đáng lo ngại, rác thải nhựa đang trở thành một mối hiểm họa khôn lường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tất cả là vì tính tiện lợi và giá thành rẻ của những sản phẩm này. Sau đó, những sản phẩm này bị vứt ra môi trường, tồn tại trong tự nhiên và mất rất nhiều thời gian để có thể phân hủy hết được. Trong thời gian đó, những sản phẩm này tiếp tục nằm trong lòng đất và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
“Nâng cao ý thức các em nhỏ, giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa xả ra môi trường” là tiêu chí hoạt động của dự án MONOSPERMA. Với tư cách là học sinh một ngôi trường có truyền thống lâu đời Chu Văn An, nhóm học sinh thuộc khối nhà M đã cùng họp lại và lên đề án môi trường với đối tượng chủ yếu là các em học sinh Tiểu học. Thông qua những hoạt động thiết thực, BTC hy vọng có thể giúp đỡ các em học sinh có thêm ý thức trong việc sử dụng đồ dùng, loại bỏ việc sử dụng đồ nhựa có tác động không tốt đến môi trường”, Đinh Diệu Linh – học sinh lớp 12D1, thành viên ban truyền thông của dự án chia sẻ.
Sự kiện chính của dự án MONOSPERMA, ngày hội ECOBRICK diễn ra tại trường Tiểu học Đông Thái. Hoạt động chủ yếu trong ngày hội là giúp các em có thêm kiến thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động làm gạch Ecobrick – những viên gạch sinh thái.
Đây thực chất là cách tái chế nhựa và nilon dùng một lần bằng việc đem đi rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi thật chặt vào những chai nhựa khô ráo, sao cho đủ cứng để chúng trở thành vật liệu xây dựng, bồn cây, hàng rào. Thay vì vứt túi bóng, vỏ bim bim, hộp xốp, ống hút bừa bãi ra đường, việc gom rác khó phân hủy sẽ giúp các em học sinh có thêm ý thức bảo vệ môi trường, có thêm phương pháp để tái chế những đồ nhựa dùng một lần.
Ngày hội dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 11 năm 2019 tại trường Tiểu học Đông Thái, 29C Võng Thị, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội.