Gặp gỡ cuối năm -tại nhà riêng nữ anh hùng La Thị Tám-
Vào một buổi chiều cuối năm, trong cái rét ngọt của mùa đông, khi mà chỉ còn hơn 10 ngày nữa là bước sang năm mới, thầy trò trường Bưởi chúng tôi đến thăm nữ anh hùng La Thị Tám. Trước khi đến ngôi nhà nhỏ của bà chúng tôi cũng có đọc nhiều bài báo, tư liệu về người trở thành anh hùng ở tuổi 20 ấy. Những con số như biết nói: bà nhận nhiệm vụ quan sát số lượng bom được thả, xác định số bom đã nổ và chưa nổ, rồi nhanh chóng chạy xuống chiến trường cắm cờ vào vị trí của các quả bom nổ chậm để đơn vị công binh đến phá bom khi mới ở tuổi 17; sau 200 ngày đêm quan sát trên ngọn đồi cao bà đã xác định 1205 quả bom và được phong anh hùng khi mới 20 tuổi. Và chúng tôi cũng dùng công nghệ thông tin để ngắm hình ảnh cô gái 20 tuổi với đôi mắt sáng rực và trên tay là chiếc ống nhòm để làm nhiệm vụ. Ngoài ra trên xe một số thầy cô ngân nga bài hát Người con gái sông La khiến cả xe như đang sống lại những phút giây lịch sử hồi ấy. Các em học sinh thì háo hức không kém vì chưa thể hình dung một người trở thành nữ anh hùng ở độ tuổi hơn mình 2-3 năm.
.Và rồi chúng tôi rất bối rối khi thấy bà có phong thái rất nhanh nhẹn ra tận cổng đón đoàn. Cần một chút thời gian để cả thầy cô và học trò làm quen với người nữ anh hùng trong hiện tại, để kết nối hình ảnh người con gái anh hùng tuổi 20 với hình ảnh người mẹ, người bà hiện tại. Phong cách hoạt bát, cử chỉ linh hoạt và cách nói năng thật sự gần gũi. Ở bà chúng tôi không nhận thấy điều gì khác với người bà, người mẹ của mình. Bà kể về thời thanh xuân của mình rất nhẹ nhàng như nó hẳn phải là như vậy. Bà nói cả thời trẻ là sống trên đường, bám đường mà sống và chiến đấu. “Hồi ấy thanh niên xung phong vui lắm các cháu à”. Khi được hỏi về nhiệm vụ quan sát của mình, bà nói khi ấy cấp trên nói có một nhiệm vụ như thế này…..và lấy tinh thần xung phong. Có một số người tự nguyện nhưng chỉ có 3 người được chọn làm nhiệm vụ quan sát trên đỉnh đồi cao. Và chỉ có một mình bà là gắn bó với nhiệm vụ ấy lâu nhất. Bà nói lần đầu tiên dùng ống nhòm quan sát máy bay và bom khiến bà gần như bị sốc vì rõ quá, gần quá, có cảm giác như bom rơi ngay cạnh mình. Khi máy bay Mỹ thả bom bà dùng mắt thường quan sát và đếm số bom rơi xuống và số bom phát nổ ngay. Ngay sau đợt thả bom thì bà dùng ống nhòm để xác định vị trí của các quả bom chưa nổ. Sau đó, hình bóng cô gái tuổi 18,19 ấy chạy như bay xuống chiến trường cắm cờ xác định vị trí bom nổ chậm. Khi băng xuống chiến trường thì trên người không được có bất kỳ vật dụng nào có sắt nên chiếc ống nhòm cũng phải để lại chỗ vị trí quan sát. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, khóe miệng toát lên vẻ tinh nghịch, thoăn thoắt cắm tiêu đánh dấu bom như một nguồn động viên to lớn với những anh lái xe, các chiến sĩ pháo binh cũng như các thanh niên xung phong có nhiệm vụ lấp đường cho xe qua. Cô gái nhỏ bé ấy như một ánh sao lấp lánh trong cuộc chiến đấu toàn dân và toàn diện ấy
Vừa lắng nghe bà kể chuyện, mọi người quan sát bức ảnh khá to do hội sinh viên Hà Tĩnh học tại Berlin kính tặng và cô hiệu trưởng phát hiện ra bà có chiếc đồng hồ thật đẹp, nhất là từ hồi năm 68. Một bác phụ huynh giải thích đồng hồ dùng để làm nhiệm vụ tính thời gian giữa các loạt bom rơi. Nhưng sự thật đó là phần thưởng của bà sau khi được phong anh hùng. Đó là món quà quý giá mà bà luôn trân trọng gìn giữ ở nhà khi đi làm nhiệm vụ.
Hiện nay bà sống cùng con trai sinh năm 1987 là thạc sĩ kinh tế trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng trong thành phố Hà Tĩnh.Anh cho biết bà không tiếp xúc nhiều với báo đài nhưng luôn sẵn lòng đi nói chuyện với thế hệ trẻ, với các em học sinh để kể lại cho các em một thời đầy bom đạn khói lửa chiến tranh nhưng đầy oanh liệt, tự hào. Anh còn kể lại mỗi khi xong nhiệm vụ mẹ thường đi bộ trong đêm vượt qua khoảng 20km từ ngã ba Đồng Lộc về nhà. Các em học sinh chăm chú nghe những câu chuyện tưởng như “ thần thoại” được nhân chứng lịch sử kể lại rất nhẹ nhàng, không hề có sự lên gân nhưng không kém tác dụng lan tỏa và truyền cảm hứng. Thời khắc chuyển giao sắp đến và thầy trò chúng tôi cảm nhận một buổi chiều thật ý nghĩa khi được gặp, được trò chuyện và được năm chặt bàn tay của nữ anh hùng mong bà có nhiều sức khỏe để vui vầy cùng con cháu trong hòa bình mà thế hệ của bà đã phải trả bằng xương máu bao người.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huệ