GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH THÁNG MƯỜI NHẬT KÍ ĐẶNG THÙY TRÂM – ĐỪNG ĐỐT, TRONG ĐÓ CÓ LỬA
Đặng Thùy Trâm (1942 – 1970) là một nữ bác sĩ, liệt sĩ thời kháng chiến chống Mĩ. Chẳng phải nhà văn, nhà thơ, nhưng những kí ức thời chiến của chị vẫn được trân trọng đến ngày nay, trong cuốn sách mang tên “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”.
Cuốn sách là tổng hợp những ghi chép viết tay trong 2 cuốn nhật kí của nữ bác sĩ từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970, 2 ngày trước khi chị hi sinh. Khi ấy, kháng chiến chống Mĩ ở nước ta đang vô cùng ác liệt. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, hàng triệu thanh niên trai tráng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Và cô sinh viên Y khoa Đặng Thùy Trâm cũng không phải ngoại lệ. Chị xung phong lên đường vào Quảng Ngãi theo tiếng gọi của Tổ quốc, và của tình yêu với một người chiến sĩ giải phóng quân. Cuốn nhật kí của chị kể về những ngày làm việc tại bệnh xá huyện nhỏ, những đêm không ngủ chạy trốn địch càn, về bao nỗi niềm thầm kín của người con gái tuổi đôi mươi và bao mảnh đời ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Đặng Thùy Trâm lẽ ra chỉ là một cái tên liệt sĩ trong hàng triệu cái tên khác hi sinh tuổi xuân cho đất nước. Nhưng cớ sao cuốn nhật kí của riêng chị lại trở thành áng văn anh hùng lay động lòng người, được nâng niu từ những con người bên kia chiến tuyến, và trở thành 1 hiện tượng văn học được ví như “Nhật kí Anne Frank” Việt Nam?
“Tôi không hiểu nổi bắt nguồn từ đâu mà một người con gái có thể nhìn thấy cái đẹp của màu xanh giữa chiến trường mịt mù bom đạn, vì sao cô ấy có thể nghe nổi bản giao hưởng êm đềm khi quân Mĩ gần như luôn bám sát sau lưng”.
“Đời phải trải qua giông tố, nhưng chớ cúi đầu trước giông tố.”
Mình đọc “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” vào một chiều tháng 10, trời Hà Nội mưa rả rích, và mưa cũng rơi cùng đạn bom trong từng trang sách mỏng. Chị Thuỳ đẹp làm sao, ngọn lửa trong tim chị át cả mưa bom bão đạn. Làm sao để tuổi trẻ này có thể tỏa sáng rực rỡ như chị đây, ơi người con gái anh hùng?
Cho tháng 10 lịch sử phấp phới cờ hoa, hãy để lòng ta lắng lại trong những trang nhật kí sống động một thời lửa đạn.
Niềm tin sâu thẳm trong trái tim chị, là niềm tin vào tình yêu của con người và lí tưởng cách mạng. Chẳng phải tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè, mà hơn cả, đó là tình yêu tha thiết dành cho con người và cũng chính là cho đất nước. Những anh Khiêm, anh Thuận, anh Nghĩa, chị Liên, những đồng nghiệp và bệnh nhân của chị, chị dành cho họ những tình cảm tựa như ruột thịt chất chứa trong những dòng nhật kí đẫm máu, nước mắt và mồ hôi. Chúng ta sẽ tự hỏi tại sao chị có thể yêu nhiều đến thế, yêu sâu nặng đến thế. Là bởi dưới ngợp trời mưa bom bão đạn, chẳng thể biết được hôm nay ta ngồi bên nhau, mà ngày mai ta đã nằm xuống. Cũng là bởi chị vẫn tin, một niềm tin trong trẻo, vào con đường cách mạng sẽ đưa đường chỉ lối cho tuổi trẻ nhiệt huyết cùng nắm tay nhau vượt qua mọi giông bão.
Tổ Công Tác Thư viện |