GÁNH GÁNH… GỒNG GỒNG…
– Xuân Phượng –
- NỘI DUNG GIỚI THIỆU:
- Tác giả, tác phẩm:
“Gánh gánh… gồng gồng…” – bốn tiếng, từng đôi nhịp một, ngân dài, ngân rung trong họng tựa như tiếng ru thủ thỉ – bốn tiếng đã gợi liên tưởng về dáng người ngày ngày lầm lũi mang vác trên vai chiếc đòn gánh như gồng cả những khốn cùng, lận đận giữa chiến tranh khốc liệt, ấy là bóng dáng quen thuộc của những người mẹ, người vợ Việt Nam, dẫu khắc khổ nhưng giàu tình thương, nghị lực. Bóng dáng ấy đã khơi dậy cảm hứng cho nhà văn Xuân Phượng viết nên tác phẩm “gánh gánh… gồng gồng…”, cuốn sách mà đã được tái bản và nhận về giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, đặt trong giai đoạn cách mạng của lịch sử dân tộc để kể câu chuyện người phụ nữ với những phẩm cách cao đẹp, sáng ngời, vượt trên số phận khổ đau, lận đận, và đó cũng chính là cuốn sách mà Tổ CTV Thư Viện C-Library muốn giới thiệu tới các bạn nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4.
- Tóm tắt nội dung:
“Gánh gánh gồng gồng” của đạo diễn Xuân Phượng đã mở ra một cánh cửa thời gian, đưa người đọc trở về những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ và mất mát. Sinh ra ở Huế, một vùng đất vốn yên bình nhưng sớm phải gánh chịu bom đạn, tuổi thơ của bà in đậm những dấu vết của đau thương và ly biệt. Lòng yêu nước nồng nàn đã thôi thúc bà dấn thân vào cuộc chiến, từ công việc thầm lặng mà nguy hiểm của một kỹ thuật viên thuốc nổ đến vai trò của một phóng viên chiến trường, nơi bà chứng kiến tận mắt sự tàn khốc, ghi lại những hy sinh không tên và cảm nhận sâu sắc nỗi đau của dân tộc. Những trang hồi ký không chỉ tái hiện những trận đánh ác liệt, những khó khăn chồng chất mà còn khắc họa những rung cảm sâu kín trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam kiên cường. Đó là nỗi xót xa khi chứng kiến cảnh quê hương đổ nát, là sự trân trọng đối với tình đồng chí, đồng đội, là niềm tin mãnh liệt vào ngày hòa bình thống nhất. Qua từng dòng hồi ký thấm đượm sự chân thành, xúc động, chúng ta càng thêm trân trọng ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4 – ngày đất nước giành lại được độc lập, hiểu được giá trị của sự hy sinh và khát vọng hòa bình mà biết bao thế hệ đã phải ngã xuống, bao mảnh đời bị chiến tranh tàn phá để có thể đổi lấy.
- Điểm đặc sắc:
“Gánh gánh gồng gồng” không chỉ là hồi ký về cuộc đời đầy biến động của nhà văn Xuân Phượng mà còn là sự phản chiếu của cả một thời đại lịch sử đầy biến động. Dưới con mắt đa chiều của tác giả, một người đã từng đi qua thời chiến, từng là bác sĩ, phóng viên chiến trường rồi trở thành đạo diễn, tác phẩm đã tái hiện được những lát cắt lịch sử quý giá từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đầy khốc liệt, cho tới thời kỳ đất nước đã thống nhất. Điều đặc biệt là những sự kiện ấy được kể lại bằng chính ánh nhìn của người trong cuộc, giúp cho người đọc nhận ra chiến tranh không chỉ được thể hiện qua những trận đánh ác liệt, mà là còn qua nỗi đau, nghị lực sống phi thường của người phụ nữ nhỏ bé. Ngoài ra, nhan đề tuy trông giản dị nhưng thực chất đó chính là đại diện cho một hành trình dài nhà văn Xuân Phượng đấu tranh cho những ước mơ, hoài bão, một hành trình bà phải “gánh” những trách nhiệm, “gồng” mình lên để bảo vệ lý tưởng của bản thân nhưng khi nhìn lại thì ta lại cảm thấy đầy tự hào về bản lĩnh và sự mềm mại của một tâm hồn không thể bị khuất phục.
Cuốn hồi ký chỉ dài chưa đến 300 trang, nhưng lại mang trong mình sức nặng của một chứng nhân lịch sử, vượt lên trên những tự sự, ghi chép về cuộc đời của một cá nhân cụ thể để soi chiếu một cách chân thực, sinh động và sáng rõ gương mặt của cả dân tộc, cả Tổ quốc anh hùng, là phương cách giúp người trẻ hiểu thêm những giá trị lịch sử, biết đồng cảm, biết tự hào và sẻ chia với những người đi trước. Thủ thỉ, tâm tình, “Gánh gánh gồng gồng” mang sứ mệnh là cầu nối gắn kết giữa các thế hệ, giúp mọi người thấu hiểu lòng nhau, thấu hiểu những giá trị và nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, hãy cùng tổ CTV Thư viện C-Library nói lời tri ân tới thế hệ cha anh, những người đã vì lý tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà hi sinh bằng mồ hôi, xương máu, tuổi xuân của chính mình.