HỌC SINH KHỐI 12 KHOÁ 108 TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN THAM GIA LỄ DÂNG HƯƠNG CÁC VUA HÙNG
Hôm nay, Thứ Bảy ngày 04 tháng 11 năm 2017 (tức ngày 16 tháng 09 năm Đinh Dậu), trong tiết trời đầu đông se lạnh, những tia nắng vàng rải rộng trên các nẻo đường, đoàn cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh trường THPT Chu Văn An Hà Nội tham gia Lễ dâng hương các vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đề Hùng – Phú Thọ.
Tham gia đoàn gồm cô giáo Trần Thuỳ Dương, Đảng ủy viên, Phó Hiệu Trưởng trường THPT Chu Văn An Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Tuấn Khanh – Chủ tịch công đoàn, cô giáo Trần Thị Tuyến – Bí thư Đoàn trường, cô giáo Nguyễn Thị Lán – Khối trưởng chủ nhiệm khối 12, bác Tạ Ngọc Sơn – Trưởng ban thường trực cha mẹ học sinh trường, bác Nguyễn Duy Khiển – Phó Trưởng ban thường trực cha mẹ học sinh trường cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm, các bác trong ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, và đặc biệt là hơn 600 học sinh khối 12 niên khoá 2015 – 2018.
Sau khi dừng chân ở chân núi, đoàn cán bộ, giáo viên và học sinh đã được các hướng dẫn viên của Khu di tích Đền Hùng thuyết minh về Đền Hùng. Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh.
Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Đến năm 1967, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng. Ngày 8 tháng 2 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục trong khu di tích. Ngày 6 tháng 1 năm 2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày quốc lễ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương.. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã không ngừng lớn mạnh, được thể hiện sâu sắc và rõ nét hơn qua hàng loạt công trình kiến trúc văn hóa đầu tư xây dựng. Nhiều công trình tiếp tục được xây dựng tại khu di tích Đền Hùng như Đền thờ Lạc Long Quân, đường hành lễ tại trung tâm lễ hội, trụ sở làm việc và nhà tiếp đón khách của khu di tích, đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ… Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.
Trong không khí thiêng liêng thành kính, trong ngút ngàn của hồn thiêng sông núi hội tụ, sau khi đã thắp hương tại Đền Hạ, Đền Trung, thầy trò quây quần tại Điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước, trước anh linh Tổ tiên, đoàn cán bộ giáo viên nhà trường đã làm Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Sau khi làm lễ dâng hương các vua Hùng ở Đền Thượng, đoàn tiếp tục xuống dâng hương tại Đền Giếng, khung cảnh tại đây vừa mang nét linh thiêng, hoà cùng đất trời ngập tràn nắng vàng, hoa lá tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục làm lễ dâng hương tại Đền Mẫu, Đền Cha trong quần thể của Khu di tích và kết thúc chuyến tham quan, dâng hương Đền Hùng lúc 15h30
Có thể nói, trường THPT Chu Văn An Hà Nội đã 109 năm tuổi, với bề dày truyền thống, trong những năm vừa qua thầy và trò Trường THPT Chu Văn An Hà Nội đã phấn đấu có nhiều thành tích cao trong học tập và hoàn thành xuất sắc các các nhiêm vụ của Đảng và nhà nước giao phó. Tiếp nối truyền thống Tiên Rồng,thầy và trò nhà trường luôn ra sức rèn luyện, nâng cao trí tuệ, năng lực công tác để hoàn thành các nhiệm vụ, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông, nguyện một lòng cùng nhau cùng nhau đoàn kết, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, hùng cường và phát triển. Cầu mong các Vua Hùng luôn phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn. Cầu mong anh linh liệt tổ, liệt tông, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước luôn phù hộ độ trì cho thầy và trò nhà trường, cho gia đình các thành viên chúng con có được cuộc sống an khang, thịnh vượng, gia đình hạnh phúc; gặp nhiều may mắn, tốt lành, phúc lộc trường tồn, vạn sự như ý. Cầu mong cho 691 em học sinh lớp 12 thi đâu được đấy, công thành danh toại, trở thành những công dân ưu tú của đất nước.
BAN THÔNG TIN – BCH ĐOÀN TRƯỜNG