K112 TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN DÂNG HƯƠNG ĐỀN THỜ DANH SƯ CHU VĂN AN, CHÍ LINH, HẢI DƯƠNG VÀ THAM QUAN ĐỀN THỜ NGUYỄN TRÃI, CÔN SƠN, KIẾP BẠC
Chu Văn An là vị “Vạn Thế Sư Biểu” đáng tôn kính của non sông nước Việt. Cuộc đời thanh bạch, không màng lợi danh và tài đức của bậc hiền nho triều đại nhà Trần là tấm gương sáng cho nhân dân muôn đời. Sinh thời, thầy có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục, tư tưởng đạo đức cho vô số thế hệ học trò. Nhận thấy tài năng và đức độ của thầy, vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử. Đến đời Dụ Tông-thời kỳ suy sụp nhà Trần – tình hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Sau khi thầy mất, nhân dân tôn kính và lập đền thờ tại nơi thầy dạy học. Qua nhiều lần trùng tu, đền thờ Chu Văn An trở thành quần thể kiến trúc bề thế bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền chính nằm trên vùng đất cao, rộng và theo phong thủy định thì đây là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền Chu Văn An được xây dựng theo hình chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung.
Tại gian tiền tế, ngay tại chính giữa đặt ban thờ công đồng, ngay phía sau là ban thờ gia tiên họ Chu, bên phải là ban thờ sơn thần núi Phượng Hoàng, bên trái là ban thờ các môn sinh của thầy. Hậu cung đặt tượng thờ thầy đồng bằng nặng 100kg. Nghệ thuật trang trí trong đền rất đặc biệt theo đề tài tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng) và tứ quý (Tùng – Cúc – Trúc – Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng, trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền Chu Văn An là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần…
Quần thể đền Chu Văn An thanh tịnh, yên bình giữa khu rừng thông xanh bạt ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu” cùng bảng khắc chữ Học lớn theo lối vào đền, như một minh chứng về tấm lòng mang nặng ân nghĩa của những người học trò đã theo dấu chân thầy.
Cách đền thờ Chu Văn An khoảng 4km đường xe chạy là khu di tích Côn Sơn -Kiếp Bạc, thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Học sinh khối 10 thực hiện nghi lễ dâng hương, đồng thời được tìm hiểu những nét văn hóa tâm linh của dân tộc, qua ấy hiểu thêm về cội nguồn cha ông xưa, củng cố vốn tri thức về lịch sử đất nước. Đây sẽ là nguồn động lực, cảm hứng để các em tiếp tục hành trình trên con đường học vấn, cống hiến, dựng xây cho Tổ quốc tương lai, để các em thêm trân trọng, kính yêu những nét đẹp truyền thống làm nên tư duy và tâm hồn con người Việt Nam đã thấm nhuần từ ngàn đời.