Khi học sinh Chu Văn An tranh luận tại “Hội nghị ASEAN”
Trong vai các quan chức cấp cao của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cô và trò lớp Chuyên Anh trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Hà Nội đã tự tin thể hiện quan điểm của mình tại Hội nghị mô phỏng ASEAN với chủ đề “khai thác cá vượt mức cho phép”.
Ngày 27/12/2018, tại Nhà Bát giác bên Hồ Tây, Hà Nội, cô và trò lớp 10 Chuyên Anh trường Trung học Phổ thông Chu Văn An đã tổ chức hội nghị mô phỏng mô hình hội nghị ASEAN với chủ đề “Khai thác cá vượt mức cho phép”.
Đại diện “Đoàn Việt Nam” đang trao đổi tại Hội nghị |
Đây là hoạt động rất thiết thực, là những tiết học đầy sáng tạo và bổ ích của thầy và trò trường THPT Chu Văn An. Những hoạt động như vậy không những tạo ra sân chơi hấp dẫn cho các em học sinh và còn là dịp để thực hành tiếng Anh, nhất là tiếng Anh sử dụng trong các hội nghị quốc tế. Đồng thời, đây cũng là dịp để học sinh tìm hiểu thêm về Cộng đồng ASEAN, về vai trò của Việt Nam trong ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt, khi Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị để đảm nhận một cách tốt nhất vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020.
Ban Thư ký Hội nghị làm việc rất tập trung và chuyên nghiệp |
Để chuẩn bị cho “Hội nghị”, cả thầy và trò đã dành ra khoảng thời gian gần 3 tháng trước khi sự kiện diễn ra để tìm hiểu về ASEAN, về đất nước mà mình sẽ đại diện tại hội nghị. Nhất là các vấn đề liên quan đến chủ đề của hội nghị là thực trạng đánh bắt cá hoặc bị đánh bắt cá vượt mức cho phép tại mỗi nước. Bên cạnh đó, để có thể đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình, các “đại biểu” còn phải chuẩn bị kỹ lưỡng các lập luận, giả thuyết và lý lẽ phản biện một cách khoa học và đúng luật để thảo luận tại Hội nghị.
Không những thế, để tổ chức hội nghị đúng với “format” một hội nghị của ASEAN, các em cũng đã phải tìm hiểu văn phong, ngôn ngữ và quy trình tổ chức hội nghị quốc tế và của ASEAN như thế nào. Đồng thời, khi thống nhất format, các em còn phải lên kế hoạch chương trình nghị sự và dự thảo một biên bản ghi nhớ (MOU) để thông qua và ký kết khi kết thúc hội nghị.
Đại diện Thái Lan phát biểu bày tỏ quan điểm |
Tại hội nghị, 27 em học sinh được phân công làm đại diện cho các nước ASEAN tham dự hội nghị hoặc vào vai những vị trí và chức vụ khác nhau, từ Chủ tịch điều hành cuộc họp cho đến các thành viên Ban Thư ký. Hội nghị cũng đã có những cuộc tranh luận “nẩy lửa” như đại diện của Singapore yêu cầu giảm tối đa hiện trạng săn bắt cá mập quá mức trong khi Brunei và Campuchia bày tỏ quan ngại về vấn đề đánh bắt cá trái phép, ngư dân vi phạm lãnh hải và cho rằng vấn đề này cần phải được giải quyết thấu đáo trong ASEAN.
khi đưa ra những cái nhìn khách quan về tình hình khai thác tài nguyên cá, Hội nghị đã đề ra các phương án giải quyết cụ thể cho từng vấn đề và đạt được đồng thuận để ký kết một MOU về vấn đề này. Nhiều giải pháp các đại biểu đưa ra như chú trọng đào tạo, trang bị thiết bị đánh bắt hiện đại cho ngư dân, ban hành quy định hạn chế đánh cá trong mùa cá sinh sản, thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin v.v… đều rất thiết thực.
Hội nghị mô phỏng ASEAN của học sinh trường THPT Chu Văn An là một phương pháp học tập thật sự hữu ích và độc đáo. |
Phát biểu về hoạt động này, em Nguyễn Quỳnh Nga – đại biểu đoàn Indonesia cho biết: “hoạt động này đã cho em cơ hội để trau dồi kĩ năng phân tích thông tin cũng như làm việc nhóm, đem đến cho em rất nhiều kiến thức mới lạ và thú vị. Em mong rằng trong năm tới, chúng em sẽ lại được tham gia những hoạt động thiết thực thế này!”
Những hoạt động như Hội nghị mô phỏng ASEAN của học sinh trường THPT Chu Văn An là một phương pháp học tập thật sự hữu ích và độc đáo. Cách học mới mẻ này không những giúp các em có thêm nhiều hiểu biết về ASEAN, về cộng đồng ASEAN và luật pháp quốc tế, những kiến thức gói gọn trong sách giáo khoa mà còn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Đặc biệt, hoạt động mô phỏng hội nghị ASEAN còn giúp các em phát triển hơn nữa khả năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình trước đám đông và rèn luyện phong thái tự tin như những nhà ngoại giao chuyên nghiệp thực thụ.