Hotline:

+84-24-38233141

Email:

c3chuvanan@hanoiedu.vn

Cambridge Assessment International Education

[“NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC”: NHỮNG TRANG VIẾT MANG ĐẬM DẤU ẤN LỊCH SỬ]

Mỗi dịp tháng Năm về, trong hương sen dịu dàng thơm ngát, người dân Việt lại trào dâng niềm nhớ thương Bác, nhớ về vị lãnh tụ “cả một đời vì nước, vì dân” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời Người đã sống trọn với lý tưởng cách mạng, dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp đấu tranh của đất nước, lãnh đạo quân dân ta đi đến một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập, tự do.

 

Tận hiến một đời vì non sông gấm vóc, sinh thời, Hồ Chủ tịch chưa từng xem sinh nhật của mình là một ngày đặc biệt. Nhưng với đồng bào, đồng chí, mỗi dịp 19/5 là một khoảnh khắc thiêng liêng – không chỉ để bày tỏ lòng kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn để soi lại chính mình qua tấm gương đạo đức trong sáng, đời sống thanh bạch và trái tim luôn rộng mở vì nước, vì dân của Bác. Nhân dịp kỷ niệm 135 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy cùng Tổ CTV Thư viện C-Library nhìn lại những tác phẩm văn học tiêu biểu gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Bác. 

 

  1. Tác phẩm chính luận “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1930)

Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm chính luận nổi tiếng do Bác Hồ khi ấy là Nguyễn Ái Quốc chắp bút, được viết bằng tiếng Pháp và xuất bản lần đầu năm 1930. Tác phẩm đã lên án mạnh mẽ, phơi bày tội ác tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác. Qua nhiều bài viết ngắn dưới dạng truyện ký, phóng sự, bình luận… tác phẩm vạch trần bản chất bóc lột, đàn áp, bất công của chế độ thực dân: từ chính sách thuế khóa nặng nề, cưỡng bức lao động, đến tra tấn, bắt bớ người yêu nước. Mỗi chương là một “bản án” cụ thể, sống động và đầy sức tố cáo. Đây là tác phẩm chính luận hiện đại, kết hợp giữa giá trị chính trị, lịch sử và văn học, mang tính chiến đấu cao. Tác phẩm thể hiện tư tưởng yêu nước sâu sắc, tầm nhìn quốc tế rộng lớn và lý tưởng cách mạng kiên định của Nguyễn Ái Quốc. Bài học lớn từ Người là: muốn cứu nước, phải nhận rõ bản chất kẻ thù, thức tỉnh dân tộc và đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do.

  1. Tập thơ chữ Hán “Nhật ký trong tù” (1942 – 1943)

Nhật ký trong tù” là tập thơ chữ Hán nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại nhà lao Quảng Tây (Trung Quốc) từ năm 1942 đến 1943. Trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt, bị giải qua hơn 30 nhà lao, với đôi chân xiềng xích và cuộc sống thiếu thốn, Người vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá và lòng yêu nước mãnh liệt. Tập thơ gồm hơn 100 bài, ghi lại không chỉ những gian khổ nơi ngục tù, mà còn thể hiện chiều sâu tư tưởng, tâm hồn cao đẹp và nhân cách lớn của Hồ Chí Minh. Với bút pháp giản dị, hàm súc, kết hợp giữa chất thép cách mạng và chất thơ nghệ sĩ, “Nhật ký trong tù” không chỉ là một tác phẩm văn học có giá trị, mà còn là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất phi thường của Bác Hồ. Qua từng vần thơ, Người thể hiện rõ quan điểm: dù trong cảnh ngục tù vẫn luôn giữ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào sức mạnh của nhân dân. Tác phẩm để lại bài học sâu sắc về nghị lực vượt khó, tinh thần lạc quan và đạo đức cách mạng sáng ngời – những giá trị còn nguyên vẹn ý nghĩa đến hôm nay. 

 

III. Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945)

“Bản Tuyên ngôn Độc lập” là tác phẩm chính luận đặc biệt quan trọng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Bác đã viết bản tuyên ngôn với lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ đanh thép, trích dẫn những tư tưởng tiến bộ của thế giới để khẳng định quyền độc lập, tự do chính đáng của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm không chỉ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến, mà còn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, tư duy độc lập và tinh thần dân tộc sâu sắc của Bác. Đây là một văn kiện lịch sử mang giá trị chính trị, pháp lý và văn học to lớn, là biểu tượng cho ý chí quật cường và khát vọng tự do của cả dân tộc. Qua đó, ta học được từ Bác bài học về bản lĩnh, trí tuệ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng thời khắc quyết định của lịch sử.

 

  1. Di chúc Hồ Chí Minh (1969)

“Di chúc Hồ Chí Minh” là một văn kiện lịch sử vô giá, được Người viết trong những năm cuối đời (1965–1969), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất. Trong hoàn cảnh bệnh nặng nhưng tâm trí luôn hướng về Tổ quốc và nhân dân, Bác đã để lại những lời căn dặn tha thiết, đầy tâm huyết dành cho Đảng, cho toàn dân và cho thế hệ mai sau. Nội dung Di chúc thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, lòng yêu nước nồng nàn, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và khát vọng về một Việt Nam hòa bình, độc lập, hạnh phúc. Tác phẩm không chỉ là bản tổng kết sâu sắc cuộc đời cách mạng của Bác mà còn là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bằng ngôn từ giản dị mà thấm đẫm trí tuệ và tình cảm, Di chúc cho thấy một tấm lòng trọn vẹn vì dân, vì nước đến hơi thở cuối cùng. 

Tags: