SUỐT ĐỜI HỌC BÁC
Trong suốt hơn 60 năm qua, có không ít những nhà văn, nhà báo đã gửi gắm thêm những tác phẩm của mình vào tủ sách về Bác Hồ kính yêu, và nhà báo Kiều Mai Sơn cũng là một trong số đó.
Kiều Mai Sơn tên thật là Kiều Văn Khải, sinh năm 1984 tại Mê Linh, Hà Nội, tức chỉ sáu năm trước ngày Bác ra đi. Như một lẽ dĩ nhiên, ông không thể trực tiếp viết nên những câu chuyện về hồi ức, kỉ niệm và tình cảm thiêng liêng của Người, mà tác phẩm “Suốt đời học Bác” là tập hợp những câu chuyện giản dị về Người qua các ghi chép và lời kể của nhiều nhân vật Bác đã từng tiếp xúc và gắn bó. Cũng như bao cuốn sách về Người, thêm một lần được kể lại, được viết ra là thêm một lần bị cuốn hút, rồi cảm động.
Ở đó, ta được chu du về Cao Bằng năm 1941 cùng những hoài niệm về một thời gian khó, là những ngày đầu Bác về Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước qua lời kể của cụ Hoàng Thị Đào, người dân tộc Tày. Theo chân Người lên chiến khu Việt Bắc, ta còn được chỉ bảo về nếp sinh hoạt tiết kiệm, văn minh; về ý thức sáng tạo, vượt lên nghịch cảnh.
Hay hòa cùng không khí tưng bừng, trang nghiêm trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập lịch sử tại Quảng trường Ba Đình năm 1945 qua lời kể của Đại tá Nguyễn Xuân Lương, để đồng cảm với thanh niên Hà Nội về niềm tôn kính Bác, về lí tưởng được cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Thủ đô và xây dựng nước nhà.
Không những thế, ta còn phải cảm phục trước tài dân vận của Bác trong công cuộc kêu gọi những trí thức lớn ở nước ngoài về phụng sự Tổ quốc, khiến họ “yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình”, chính bằng “nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm”. Cảm động làm sao khi biết rằng, dù bận việc nước, việc quân, Bác vẫn quan tâm đến đời sống cá nhân của từng cán bộ, đồng chí…
Đan xen trên dòng kể chuyện về Bác là lời tâm sự của những chiến sĩ đã từng cộng tác bên Người: “Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy, sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất”.
Và còn nhiều nữa những câu chuyện dung dị, sâu sắc mà mỗi việc làm, cử chỉ, lời nói của Người đều được khắc ghi, trở thành nguồn động viên, khích lệ nhân dân nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hướng tới một ngày mai tươi sáng, hạnh phúc, ấm no và hòa bình.
Với “Suốt đời học Bác”, tác giả không chỉ đem đến những lời dạy suông, khuyên răn ta về thái độ sống, mà thông qua những mẩu chuyện nhỏ của Bác để từ đó, độc giả mới hình thành nên tư tưởng, nếp sống cho riêng mình. Hơn cả vậy, qua từng câu văn, vần chữ, dường như ta càng thêm hiểu, thêm yêu sự vĩ đại, cao cả của Người, sự chân thành, giản dị của một nhân cách ngời sáng.
Thêm một lần đọc là một lần nhớ, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi luôn có những tác phẩm chân thực và chân thành về Người như vậy, như “Suốt đời học Bác” của Kiều Mai Sơn. Nhờ các tác phẩm với những trang văn ấm nồng hơi thở như thế, hình bóng của Người mới luôn hiện diện và sống mãi trong tâm trí tôi.
Có thể nói, “Suốt đời học Bác” là một trong những tác phẩm đã thành công khắc hoạ dáng vẻ chất phác cùng tài năng vĩ đại và nhân cách cao cả của Hồ Chí Minh. Và cũng vì vậy, “Suốt đời học Bác” sẽ không bao giờ cũ mà luôn tồn tại với thời gian để gửi gắm những ký ức đẹp đẽ nhất về Người cho các bậc hậu thế.
Ngày hôm nay – 19/05/2022, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch lần thứ 132, Tổ CTV Thư viện Nhà Bát Giác không chỉ muốn giới thiệu với bạn đọc một cuốn sách rất hay về Người là “Suốt đời học Bác” mà qua đó, chúng mình còn muốn bày tỏ lòng chân thành và biết ơn vô ngần tới vị Cha già kính yêu của dân tộc. Hy vọng rằng, lý tưởng cao đẹp của Bác sẽ sống mãi trong tâm trí cùng hình ảnh vĩ đại của Người luôn bất tử trong trái tim của toàn thể nhân dân, soi sáng tương lai rộng mở của lớp trẻ Việt Nam trên con đường phía trước.
Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2022
Tổ công tác thư viện