THỬ THÁCH KHOA HỌC QUỐC TẾ SINGAPORE 2017 (SISC)
Được tổ chức bởi trường National Junior College, Thử thách khoa học quốc tế Singapore (SISC) là một sự kiện quốc tế tổ chức hai năm một lần nhằm tụ hội các học sinh có năng khiếu từ 15 đến 18 tuổi khắp thế giới đua tài, hợp tác và sáng tạo trong lĩnh vực khoa học. Trọng tâm đa ngành và sự kết hợp của các thách thức cung cấp một bối cảnh đích thực cho học sinh áp dụng kiến thức khoa học kĩ thuật của mình để giải quyết các vấn đề và đưa ra các giải pháp hiệu quả.
Đối với năm 2017, trọng tâm trong SISC 2017 là: Nghiên cứu khoa học công nghệ (STEM), Thiết kế và tư duy tính toán, Hệ thống kĩ thuật thông minh và Tái xác định và chuyển đổi giáo dục. Những lĩnh vực này sẽ được làm sáng tỏ qua 3 thử thách: Thử thách nghiên cứu, Thử thách Machine learning (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo), Thử thách thiết kế xây dựng.
Chương trình năm nay có sự tham gia của 24 đội đến từ các trường THPT trên thế giới: trường THPT Chu Văn An, trường Khoa học và Toán học Úc, trường Khoa học và Toán học North Carolina (Hoa Kỳ),… Đội tham dự đại diện cho trường THPT Chu Văn An gồm 3 học sinh: Vũ Lê Quỳnh Chi (12 Sinh), Nguyễn Minh Đức (11A1) và Lê Đức Trung (11 Lý) cùng thầy giáo Phạm Ngọc Thắng – Giáo viên Vật lý và chủ nhiệm lớp 11A1.
Trong thử thách đầu tiên, học sinh có cơ hội giới thiệu về đề tài nghiên cứu của mình thông qua bài thuyết trình với poster và được đánh giá bởi những học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu, bao gồm trưởng ban giám khảo, phó giáo sư Tok Eng Soon, đến từ khoa Khoa học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Trong bữa tiệc chào mừng diễn ra ngày đầu tiên, các đội tham dự mặc những trang phục truyền thống để giới thiệu những nét độc đáo về văn hoá của quốc gia trong gian hàng riêng của mình. Gian hàng của đội trường THPT Chu Văn An được trang trí bằng những sản phẩm rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam như: khăn trải bàn thêu tay khung cảnh sinh hoạt làng quê Bắc Bộ, trống đồng, chú tễu gỗ, tượng cô gái Việt Nam mặc áo dài, cà phê, bánh đậu xanh và chiếc đĩa sứ in hình cổng trường Bưởi cách đây hơn 100 năm đã nhận được sự quan tâm và đánh gía rất cao của những người tham dự cũng như ban tổ chức.
Trong ngày tiếp theo, học sinh tham dự hội thảo về trí tuệ nhân tạo của tiến sĩ Sim Yan Chuan từ Viện Ngiên cứu Công nghệ thông tin và Truyền thông. Ông đã giải thích cách máy móc có thể thu thập và xử lý dữ liệu thành các hình thức thuận tiện hơn để hiểu và sử dụng. Đồng thời, tiến sĩ cũng cho thấy những tiến bộ gần đây trong nghiên cứu về machine learning và đưa ra những hiểu biết thú vị về tương lai của nghiên cứu này.
Học sinh được xáo trộn và chia thành 12 đội để cùng tham gia thử thách Machine learning
Ngày thứ 4, người tham dự được khám phá 2 khu bảo tồn Flower Dome và Cloud Forest của Garden by the Bay.
Trong khu Flower Dome, người tham dự đã vô cùng háo hức khi được tham gia thử thách đường đua tuyệt vời yêu cầu làm việc theo n hóm để tìm hiểu về các loài thực vật
Sau đó, học sinh di chuyển đến trường Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore, nơi họ tham gia hai bài giảng về thiết kế và thực tế ảo. Sau bải giảng, người tham dự được chia ra để tham dự 3 hội thảo khác nhau: lập trinh và điều khiển SpheroSPRK quả cầu thông minh kết nối với máy tính thông qua Bluetooth), mạng lưới vạn vật kết nối với Internet (IoT) và machine learning
Vào ngày tiếp theo, học sinh tiếp tục tham gia 4 bài học: Sự rắc rối của Internet do giáo sư Zhou Jianyling trình bày; Sử dụng công nghệ để tưởng tượng lại cuộc sống, cách làm việc và giải trí của ông Tan Bee Tech; Dữ liệu và Kỹ thuật số, nguyên liệu mới của kỹ thuật thông minh của Tiến sĩ Terence Hung và sự thành lập của Coin Pip của ông Anson Zeall, giám đốc điều hành CoinPip.
Tiếp theo, người tham dự tiếp tục tham gia thử thách Thiết kế và Xây dựng. ở thử thách này, toàn bộ học sinh sẽ được chia thành 12 nhóm để đưa ra những phương án giải quyết những vấn đề trong cuộc sống trong vòng 24 giờ. Các đội được cung cấp bộ dụng cụ, bao gồm bộ mạch Adruino, chip Edison, các cảm biến. cùng với tiền để có thể mua thêm các vật liệu và đồ trang trí cho gian hàng của mình.
Buổi lễ bế mạc đã đánh dấu sự kết thúc của toàn bộ chương trình thử thách khoa học quốc tế Singapore. Đại diễn mỗi trường lên sân khấu đặt kỷ niệm chương bằng gỗ in logo trường lên bức tường nghệ thuật được thiết kế bởi ông Nigel Jon Sing, giáo viên nghệ thuật. Chương trình có một kêt thúc thật tuyệt vời, khi toàn bộ người tham dự đã thực sự đến với nhau và trải nghiệm sự kết nối để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.
Mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia thử thách khoa học này, nhưng 3 học sinh của trường THPT Chu Văn An đạt được rất nhiều giải thưởng lớn như:
– Vô địch thử thách machine learning,
– Dự án machine learning có khả năng phân loại tốt nhất,
– Dự án machine learning có tính khả thi nhất,
– Dự án thiết kế và kỹ thuật có tính thanh khoản nhất,
– Giải nhất thử thách đường đua kì thú,
– Giải nhất gian hàng truyền thống.
Cuộc thi SISC 2017 đã khép lại với những trải nghiệm vô cùng hữu ích cho đoàn giáo viên và học sinh trường THPT Chu Văn An trong quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển sáng tạo. Hẹn gặp lại các bạn trong Thử thách Khoa học 2019!
Người viết
Lê Đức Trung (11 Lý)