TỌA ĐÀM ” KHI TA KHÔNG NHÌN VÀO MẮT NHAU”
Một trường học an toàn- thân thiện và bình đẳng chỉ có thể được tạo lập trên ý thức của mỗi cá nhân trong cách ứng xử văn minh, tôn trọng, thấu cảm cho nhau, và tất cả đều cùng tôn trọng những nguyên tắc chung.
Với mục tiêu hướng đến một môi trường học tập như vậy, chiều ngày 17.1.2018, thư viện trường THPT Chu Văn An, câu lạc bộ sách “CVA Reading Station” cùng phòng tham vấn tâm lý nhà trường đã tổ chức một buổi toạ đàm “Khi ta không nhìn vào mắt nhau” với nội dung xoay quanh hiện tượng bắt nạt học đường qua các phương tiện mạng xã hội. Trong chương trình lần này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ công ty cổ phần văn hoá và truyền thông Nhã Nam và đặc biệt là sự tham gia của khách mời, diễn giả – TS. Đặng Hoàng Giang .
Trong không khí trao đổi và thảo luận hết sức chân thành, thẳng thắn và sôi nổi, thư viện Nhà Bát giác như ấm áp hơn bởi sự có mặt của gần 100 học sinh trong trường, chúng tôi còn bất ngờ khi buổi toạ đàm thu hút được các thầy cô ở một số trường bạn, các em học sinh THCS ghé thăm và tham gia trao đổi. Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho buổi tạo đàm là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu của các bạn CLB sách “CVA Reading Station”, CLB Thư viện “C-Li”, cũng như sự góp vui từ các câu lạc bộ âm nhạc “Chu The Medley” và “Ribbon Band”.
Ts Đặng Hoàng là tác giả của các cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can (NXB Nhã Nam, 2015); Thiện, ác và Smartphone (NXB Nhã Nam 2016) và sắp tới, trong nỗ lực đồng hành với những người cận tử, ông sắp cho xuất bản cuốn sách thứ ba mang tên Điểm đến của cuộc đời (NXB Nhã Nam). Trong cuộc thi THQG năm 2017, đề thi môn ngữ văn đã trích đoạn một bài viết của ông về vấn đề “thấu cảm” trong quyển Thiện, ác và Smartphone để làm ngữ liệu đọc hiểu.
Tổng kết khảo sát “Những niềm vui xấu xí” – một góc nhìn thực tế về hiện trạng bắt nạt qua mạng tại trường THPT Chu Văn An từ các bạn lớp 11 Anh
Buổi tọa đàm với tên gọi “Khi ta không nhìn vào mắt nhau” đề cập đến một trong những vấn đề nổi cộm không chỉ trong học đường mà toàn thể xã hội trong thời đại 4.0, đó là những vấn đề, hâu quả nảy sinh khi mà các phương tiện liên lạc công nghệ thông minh phát triển ồ ạt, khi mà con người trò chuyện với nhau qua một lớp kính của màn hình điện thoại, máy tính, và họ không còn nhìn vào mắt nhau để giao tiếp. Khi đó, xã hội loài người sẽ thiếu vắng sự kiên nhẫn, chân thành, thấu cảm trong giao tiếp, điều đó sẽ khiến cho “những niềm vui xấu xí” được nuôi dưỡng, việc ném đá, lăng nhục một ai đó qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời đại 4.0.
Trong buổi tọa đàm, các bạn học sinh lớp 11 Anh đã đưa ra bản báo cáo về tình trạng bắt nạt học đường qua mạng xã hội tại chính môi trường học tập của học sinh. Bằng việc tổng kết những số liệu, chia sẻ những câu chuyện có thật, các bạn đã khiến cả khán phòng bất ngờ và bàng hoàng trước những con số không hề nhỏ về thực trạng này, hóa ra những vấn đề như bắt nạt qua mạng, chế giễu, xúc phạm thân thể, nhân cách giữa các bạn học sinh đang diễn ra một cách thường xuyên và âm thầm.
Lớp 11 Văn cũng đem đến cho buổi tọa đàm một bài thuyết trình về “Tâm lý đám đông – một đối chiếu từ tác phẩm Chí Phèo”, qua bài thuyết trình các bạn đã phần nào lý giải được một số thói quen xấu xí của người Việt mà Nam Cao đã phản ánh qua các tác phẩm của mình, để từ đó kết nối đến các hệ lụy của tâm lý đám đông trong thời đại Smartphone.
Trong buổi tọa đàm, học sinh còn được trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành với điễn giả về vấn đề tưởng như là nhỏ, nhưng cũng chính là vấn đề căn cốt của một xã hội như: các anh hùng bàn phím nhân danh công lý để ném đá qua mạng, về cách ứng xử kém văn minh trong tranh luận, về tâm lý đám đông và vùng tối của định kiến con người. TS. Đặng Hoàng Giang đã giúp người nghe hiểu rõ hơn tâm lý của những người đi bắt nạt, tâm lý của người bị bắt nạt, và đặc biệt là tâm lý của một nhóm người đông đảo nhất trong những câu chuyện bắt nạt: người chứng kiến, quan sát. Cũng như thế, người nghe cũng hiểu hơn về tâm lý đám đông, về những định kiến đã ăn sâu vào cộng đồng, và điều đó ảnh hưởng tới những ứng xử hàng ngày của con người như thế nào.
Những gì đọng lại sau buổi tọa đàm đều rất có ý nghĩa không chỉ với các bạn có mặt trong buổi tọa đàm, mà với tất cả các học sinh Chu Văn An, những bạn trẻ đang trưởng thành trong thời kỳ công nghệ số.
Xin được trích dẫn một lời cảm nhận sau buổi tọa đàm của một bạn trong câu lạc bộ sách trường Chu Văn An để thay cho lời kết như sau “…Sau buổi tọa đàm, tôi nhận thấy đôi khi người bị bắt nạt, bị cô lập, bị đặt lời đàm tiếu lại thường là người dám sống thật và không biết che dấu bản thân. Những người đi bắt nạt, thích lấn át kẻ khác đôi khi lại là những người mang một nỗi khổ đầy ẩn ức nào đó. Cũng như thế, đôi khi con người rất nhiệt tình đi bắt nạt người khác vì họ nghĩ rằng mình đang nhân danh công lý, lẽ phải và sự công bằng để kết tội người kia. Đôi khi mình ghét một ai đó, không phải vì người ta là kẻ xấu mà chỉ vì người ta quá khác với mình. Cuộc sống con người rất ngắn ngủi, nhưng nếu bạn đã nghe câu “Con người căm thù nhau nhiều hơn là yêu thương” thì bạn sẽ nhận ra căm thù, oán hận sẽ gây nên những cái hậu quả không đáng có. Đấy là những trận bắt nạt mà kẻ bắt nạt hay kẻ bắt nạt cũng đều có những cái ai oán và tổn thương trong lòng. …Vây nên, dù có bắt nạt ai đi chăng nữa thì kẻ đau khổ cuối cùng, có khi lại là chính chúng ta mà thôi...”
Ban tổ chức Tọa đàm “Khi ta không nhìn vào mắt nhau”