Trường THPT Chu Văn An tham gia kỳ thi Giáo viên giỏi Thành phố Hà Nội môn Lịch sử và Giáo dục công dân – năm học 2016 – 2017
Chiều thứ hai ngày 13/3/2017, cô giáo Nguyễn Thị Hoan – Tổ Lịch sử và cô giáo Nguyễn Thị Hiệp – Tổ Giáo dục công dân cùng đại diện cho các giáo viên Cụm Ba Đình – Tây Hồ tham gia kì thi GVG cấp Thành phố. Với sự sáng tạo và nỗ lực vượt bậc tiết dạy của các cô đã hướng đến sự giáo dục hành vi theo hướng phát huy năng lực cho học sinh.
Cả bài 30: Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ (Lịch sử 10 – Ban Cơ bản) và bài 14 “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (GDCD 10) đều là các bài dạy trọng tâm và là bài học mang tính “kinh điển” của bộ môn Lịch sử và GDCD – đã được rất nhiều giáo viên dạy thành công. Bởi vậy tổ chức dạy và học các bài học này vừa là cơ hội đồng thời là thách thức lớn cho các cô giáo.
Vậy làm thế nào để không đi vào lối mòn, không bị nhạt nhòa, không bị “lu mờ” bởi những người đi trước? Các cô đã rất trăn trở, suy tư. Bằng sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, bằng những tâm huyết, đam mê và năng lực của mình, bằng sự đồng hành của các thầy cô trong và cả ngoài tổ chuyên môn từ lên ý tưởng, xây dựng giáo án và tiến hành tiết dạy, các cô đã mày mò tìm ra những phương pháp mới, cách thức tổ chức dạy học mới để “chinh phục” Ban giám khảo và truyền cảm hứng cho học trò.
Dưới sự dẫn dắt của cô Hoan, bài 30 trở nên sinh động bởi thước phim tư liệu về sự kiện “chè Bô-xtơn” 1773, bởi cuốn truyện tranh tái hiện diễn biến chiến tranh giành độc lập, bởi những tư liệu lịch sử cô dày công biên tập,… Cô còn khiến học trò và người dự bị thu hút bởi phong thái tự tin, bản lĩnh, khả năng ứng biến linh hoạt, giọng nói trầm bổng, hào sảng và đầy chất sử của mình. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ còn gây ấn tượng với hệ thống câu hỏi mạch lạc, đúng, trúng vấn đề, thể hiện rõ tư duy lịch sử. Giờ học trôi qua nhịp nhàng, đầy cảm hứng với cách phát vấn, tổ chức hoạt động nhóm linh hoạt. Và kết thúc giờ học, cô thực sự đã khiến những người tham dự đầy bất ngờ, hào hứng với trò chơi “tìm địa danh lịch sử” trên la bàn tự tay cô thiết kế.
Đối với cô Hiệp, bài “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trở nên sinh động, nhẹ nhàng hơn bởi có tiếng hát “Quê Hương” được học sinh thể hiện đầy tha thiết. Thước phim tư liệu cô cho cả lớp xem về những biểu hiện của lòng yêu nước đúng cách đã làm cho học sinh và giám khảo cảm động thực sự. Bài dạy với nội dung phong phú, kết hợp với chất giọng trầm bổng du dương, bằng phương pháp thảo luận nhóm, khăn trải bàn và dạy học bằng dự án, cô Hiệp đã giúp các bạn học sinh hiểu rằng, lòng yêu nước không phải là cái gì cao xa mà chính là những điều bình dị và gần gũi nhất. Bài dạy của cô đã thành công khi hướng đến giáo dục hành vi yêu nước cho học trò trong giai đoạn hiện nay, giúp các em hiểu rõ hơn về bản thân mình, biết yêu và thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Trong bài dạy cô giáo còn khéo léo tích hợp được nhiều kiến thức các môn học khác như: âm nhạc, văn học, lịch sử.
Cám ơn cô giáo Nguyễn Thị Hoan và cô giáo Nguyễn Thị Hiệp vì những cố gắng và nỗ lực của mình! Chúc mừng các cô đã hoàn thành nhiệm vụ!
GV Trần Thị Mai (tổ Lịch sử) – GV Phạm Thị Diệu Linh (tổ GDCD)