VỀ MIỀN TRUNG
Một ngày cận Tết Nguyên Đán, thầy trò Trường Bưởi – Chu Văn An chúng tôi đã hướng về Hà Tĩnh trong chương trình chia sẻ cộng đồng năm học 2016 – 2017. Vượt qua hơn 400 km, chúng tôi đến với trường mầm non xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh – một ngôi trường giản dị như bao ngôi trường khác trên mảnh đất hiếu học này. Tuy vừa được các cơ quan và cá nhân chung sức thực hiện kiên cố hóa lớp học nhưng nhà trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy các cháu. Bằng tình yêu, sự tận tâm với người, với đời, cô giáo Lê Mai Anh – Hiệu trưởng nhà trường đã kết nối thành công với Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để đoàn công tác chúng tôi mang được những món quà thật sự cần thiết với các cháu học sinh nhỏ tuổi của trường mầm non xã Thạch Thắng. 270 chiếc giường ngủ được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp các cháu có giấc ngủ trưa “ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè”, hai chiếc nồi đun cháo công nghiệp dùng điện sẽ nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ đồng thời giảm bớt sự vất vả của các cô cấp dưỡng và rất nhiều tình cảm ấm áp được thắp lên từ tấm lòng của tập thể hội đồng sư phạm, các học sinh, phụ huynh học sinh trường THPT Chu Văn An. Có thể nói, sự hiện diện của các thầy cô giáo, ban đại diện cha mẹ học sinh cùng các anh chị học sinh trường Chu Văn An khiến buổi chiều mùa đông như ấm áp hơn. Cô giáo Hiệu trưởng trường mầm non đã thay mặt nhà trường nhận quà và phát biểu cảm ơn đoàn công tác đại diện cho trường Bưởi – Chu Văn An đến tận nơi xa xôi để truyền tải thông điệp chia sẻ cộng đồng, lan toả tinh thần hiếu học Chu Văn An đến miền quê đầy nắng và gió, giúp cô trò trường mầm non có thêm động lực để dạy và học tốt hơn nữa. Tham dự Lễ trao quà, có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, bà đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc, cảm phục sự thấu hiểu xuất phát từ tấm lòng một người mẹ của cô giáo hiệu trường trường Bưởi – Chu Văn An nên đã lựa chọn được những món quà thiết thực như cho chính con của mình. Cũng trong buổi trao quà tặng, các em học sinh tham gia đoàn công tác trong bộ đồng phục mùa đông đã thể hiện rất tốt phong cách học sinh trường Bưởi: nhanh nhẹn, năng động và rất nhân văn.
Miền Trung còn là quê hương cách mạng, mỗi con đường, mỗi địa danh đều in dấu một thời oanh liệt mà hào hùng của dân tộc. Có rất nhiều đau thương, mất mát oằn lên khúc ruột miền Trung, nhưng cũng tại nơi đây đã tôi luyện nên phẩm chất kiên cường của những vị anh hùng cách mạng, của người dân. Vượt đường xa đoàn công tác đã đến viếng mộ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình đã dần hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cả nước và du khách nước ngoài đến tưởng nhớ một người con ưu tú của dân tộc ta. Đến với Ngã ba Đồng Lộc – nơi mà các thầy cô giáo cùng các trò được sống lại một thời bom lửa của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, đoàn công tác đã làm Lễ dâng hương tới các liệt sĩ thanh niên xung phong trên cả nước và đặc biệt là khoảng 4000 phần mộ của các liệt sỹ thanh niên xung phong đã được tập kết tại đây.
Khi nghe những lời thuyết minh về sự hy sinh của mười cô gái tiểu đội A4 từ đồng chí Phó ban phụ trách khu lưu niệm, những giọt nước mắt của thầy và trò chúng tôi đã rơi trong nỗi tiếc thương và khâm phục ý chí của nhân dân ta được thể hiện qua sự hi sinh anh dũng của các cô gái “mãi mãi tuổi thanh xuân”. Các trò bần thần bên những hố bom còn sót lại, suy tư bên những hình tượng về sự tàn phá của bom đạn Mỹ trong khuôn viên khu tưởng niệm rồi bàng hoàng khi chúng kiến sự ác liệt thể hiện trên sa bàn hiện đại bậc nhất nước tái hiện lại một phần lịch sử ở ngã ba được mệnh danh là “túi bom”.
Và dòng chảy lịch sử vẫn tiếp diễn khi đoàn công tác được gặp mặt và lắng nghe các sự kiện lịch sử qua lời kể của nữ anh hùng La Thị Tám – người con gái sông La. Cô giáo Lê Mai Anh – Hiệu trưởng nhà trường đã thay mặt toàn trường hỏi thăm sức khỏe và tặng quà kỷ niệm người nữ anh hùng gan dạ năm xưa, nay là một người mẹ, người bà luôn nhiệt tình đi nói chuyện, truyền lửa đến các thế hệ học sinh.
Hà Tĩnh không chỉ là mảnh đất thép mà còn là cái nôi của rất nhiều người con tài giỏi trên đất Việt và một trong số đó là danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Đón tiếp đoàn công tác trong buổi chiều lất phất mưa bay là cô hướng dẫn viên – cháu gái đời thứ bảy của đại thi hào Nguyễn Du cũng là chủ nhân của bức tượng cụ bằng gỗ trầm hương cao 5m đạt kỉ lục Guiness. Bằng giọng nói miền Trung truyền cảm và tình cảm của một người con dòng họ Nguyễn Tiên Điền cô gái áo tím đã đưa thầy trò chúng tôi về với các đời của dòng họ nổi tiếng có hai bố con cùng giữ chức Tể tướng của triều đình. Đặc biệt nhất là đại thi hào của chúng ta với tác phẩm có sự ảnh hưởng rất lớn trong văn học cũng như trong đời sống của nhân dân – tác phẩm Truyện Kiều.
Tạm biệt cụ Nguyễn Du, đoàn công tác có cơ hội được thắp hương và vãn cảnh cửa Sót tại đền thờ Lê Khôi – được truy phong là Chiêu Trưng đại vương. Đến với các ngôi đền thiêng của đất Hà Tĩnh thầy trò lại hiểu thêm về nét văn hóa của vùng đất này. Hầu như ai trong chúng ta cũng nghe đến đền ông Hoàng Mười nhưng không phải ai cũng biết sự thật ông Hoàng Mười là ai? Có rất nhiều giai thoại về con người được nhân dân suy tôn này, nào là ông chính là hiện thân của Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi đã có nhiều công lao chăm lo đời sống người dân nơi đây, nào là ông giáng sinh là Nguyễn Xí – một tướng giỏi của lê Lợi, hoặc có thuyết cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Củi) không chỉ vì ông là con trai thứ mười của vua cha (như một số sách đã nói) mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Đoàn công tác cũng được tìm hiểu về bà chúa Liễu Hạnh – một trong “Tứ bất tử” được thờ phụng trong dân gian, biết về lịch sử cũng như những ngồi đền thờ vị thánh mẫu ở cả trên đèo Ngang lẫn ở trên đất Quảng Bình. Và cũng rất có duyên khi thầy trò được cùng ngâm câu thơ:”Trái tim lầm lỡ để trên đầu” khi đến tham quan ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Cùng nhau ôn lại truyền thuyết An Dương Vương cùng với rất nhiều điều kỳ lạ như hạc trắng, cá voi chết và bóng dáng cố nhân. Ngọn núi Mộ Dạ có phong thủy kỳ lạ, là vị trí trọng yếu để quân đội đặt mâm pháo nhưng cũng chính là nơi An Dương Vương nghe lời thần Kim Quy chém con gái Mỵ Châu. Am nhỏ thờ công chúa nằm trên đỉnh núi Mộ Dạ trong khung cảnh rất đẹp nhìn ra cửa biển Cửa Hiền.
Kết thúc chuyến công tác tại miền Trung lần này, điều đọng lại trong tâm trí của thầy và trò trường Bưởi đó là cần nhiều hơn nữa tinh thần chia sẻ cộng đồng, nhiều hơn nữa những chuyến về nguồn để tìm hiểu, để yêu thêm, để tự hào thêm truyền thống dân tộc, để nuôi dưỡng thêm niềm tin và lòng quyết tâm vượt khó. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục công việc của người thầy, và sẵn sàng cho những chuyến đi, sẵn sàng trải nghiệm để thấy mình trưởng thành hơn!
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huệ.